Lễ thông xe toàn tuyến hầm Cù Mông trên Quốc lộ 1A, nối Bình Định - Phú Yên vào ngày 21/1/2019 tại quảng trường phía Bắc hầm Cù Mông, phường Bùi Thị Xuân, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Hầm Cù Mông trước ngày thông xe.
Công ty cổ phần Đèo Cả cho biết, nhà đầu tư cũng đã thực hiện xong công tác chuẩn bị tổ chức thu phí bao gồm tuyển dụng và đào tạo nhân sự, hoàn thiện quy trình quản lý và vận hành trạm thu phí; đang thực hiện việc in vé thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Cù Mông (vé thử nghiệm) để sử dụng trong thời gian vận hành thử trạm thu phí từ ngày 21/1 - 31/1/2019.
Hiện nhà đầu tư Dự án cũng đề xuất thu phí dịch vụ tại trạm thu phí Cù Mông (Km0+750, lý trình dự án) từ 0h ngày 3/2/2019 để hoàn vốn cho công trình này.
Dự kiến Biểu mức thu phí dịch vụ sử dụng hầm đường bộ Cù Mông.
Ông Hồ Minh Hoàng - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả cho biết, hạng mục hầm đường bộ xuyên đèo Cù Mông thuộc Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả được khởi công từ cuối tháng 9/2015. Khi đi vào khai thác, hầm sẽ rút ngắn 20 phút đường Bình Định - Phú Yên, so với 30 phút đường đèo như trước.
"Sau Tết Nguyên đán chúng tôi sẽ triển khai thu phí", ông Hoàng nói.
Hầm có tổng chiều dài 6,62km, vận tốc thiết kế 80km/giờ, với tổng mức đầu tư 3.921 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) và BT (đầu tư - chuyển giao).
Đây là hầm đường bộ dài thứ ba ở Việt Nam, sau hầm Hải Vân (dài hơn 6,28 km) - khánh thành tháng 6/2005 và hầm Đèo Cả (dài hơn 4 km) - thông xe tháng 7/2017.
Theo chủ đầu tư, hầm được sử dụng sẽ xóa điểm đen tai nạn giao thông, tạo điều kiện giao thương, liên kết vùng và phát triển kinh tế khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Được biết, trước khi có hầm, nhiều ôtô, xe tải từng gặp nạn khi qua đèo Cù Mông, một trong những đồi núi hiểm trở nhất nước.