Sáng 10/10, đúng ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô, 2 công trình giao thông quan trọng là đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và cầu Văn Lang nối Ba Vì (Hà Nội) với TP Việt Trì (Phú Thọ) sẽ chính thức thông xe.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang đường bộ nối Tây Bắc với Hà Nội, đồng thời tăng hiệu quả khai thác tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tuyến đường sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Hoà Bình nói riêng.
Đường Hòa Lạc - Hòa Bình có tổng chiều dài 25,69 km.
Tại buổi lễ thông xe sáng 10/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, giao thông thông phát triển đến đâu thì chắc chắn nền kinh tế ở khu vực đó sẽ phát triển theo. Hiện nay hạ tầng khu vực Tây Bắc có hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những dự án kết nối. Đường Hoà Lạc – Hoà Bình hay cầu Văn Lang kết nối nối với Phú Thọ, là những công trình trọng điểm của khu vực”.
“Chúng tôi tin rằng sau khi đưa vào khai thác các tuyến đường này thì chắc chắn sẽ tạo một động lực rất lớn cho phát triển kinh tế khu vực”, ông Thể nói.
Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 2, Bộ GTVT Lưu Việt Khoa cho biết, nếu lái xe con đi từ Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội) theo đường Đại Lộ Thăng Long - Hoà Lạc - TP Hoà Bình sẽ giảm được 20km, rút ngắn 40 phút so với đi trên QL6.
“Đường ngắn hơn, đi lại thuận tiện hơn nên từ Hà Nội lên đến TP Hoà Bình chỉ mất 1 tiếng, thay vì 1 tiếng 40 phút như trước”, ông Khoa cho biết thêm.
Được khởi công xây dựng từ tháng 5/2014, dự án đường Hòa Lạc-Hòa Bình có tổng chiều dài 25,69 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m và có vận tốc tối đa 80 km/giờ.
Đáng chú ý, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là hơn 2.989 tỷ đồng với thời gian thu phí 24 năm. Sau khi kiểm toán tổng mức đầu tư giảm xuống còn khoảng 2.700 tỉ đồng nhưng thời gian thu phí lại tăng lên hơn 27 năm 6 tháng 9 ngày.
Mức phí dự kiến dao động từ 35.000 đồng/lượt/xe đến 180.000 đồng/lượt.
Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu được xây dựng với phương án tài chính trong đó chưa tính tới việc miễn giảm phí cho người dân sống quanh trạm đồng thời cũng có mức phí cao hơn.
Trong khi đó, với phương án tài chính mới, mức phí dự kiến dao động từ 35.000 đồng/lượt/xe đến 180.000 đồng/lượt tuỳ theo nhóm phương tiện và có phương án cắt giảm cho người dân thường trú quanh trạm.
Cũng theo ông Bùi Quang Bát, dự kiến, dự án sẽ nghiệm thu vào cuối tháng 10 và có thể bắt đầu thu phí từ ngày 1/1/2019.
Cũng trong sáng nay (10/10), dự án cầu Văn Lang với mức đầu tư 1.460 tỷ đồng chính thức thông tuyến. Cầu có chiều dài gần 10km bắc qua sông Hồng giúp kết nối huyện Ba Vì, Hà Nội với thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, giúp rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội đi Việt Trì so với những tuyến đường hiện nay.
Dự kiến, dự án này sẽ bắt đầu thu phí từ đầu tháng 12/2018 với mức phí đối với xe tiêu chuẩn là 35.000 đồng/xe/lượt, thời gian thu phí khoảng 20 năm.
Ngày mai (11/10), dự án cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên tại Hà Nội cũng chính thức được đưa vào sử dụng. Với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, cây cầu được kỳ vọng sẽ giúp giải tỏa ùn tắc cho nút giao An Dương - đường Thanh niên, tạo hướng kết nối nhanh từ trung tâm Hà Nội tới sân bay Nội Bài.