Bộ LĐTB&XH đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về thời gian trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐTB&XH xây dựng Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trình Chính phủ vào tháng 10 năm 2023.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia báo cáo Chính phủ cho phép được lùi thời gian trình phương án lương tối thiểu vào quý IV năm 2023. Ảnh minh họa.
Về việc này, Bộ LĐTB&XH báo cáo: Theo quy định tại Điều 91 của Bộ luật Lao động thì Chính phủ quy định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của DN.
Thực tế hiện nay, kinh tế quý II và hai tháng đầu quý III có dấu hiệu khởi sắc hơn so với quý I, nhiều chỉ số quan trọng của nền kinh tế đã dần lấy lại được đà phục hồi. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh toàn cầu, khu vực tiếp tục có những biến động phức tạp và ngày càng khó lường vẫn tạo ra những tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta.
Các DN đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu giảm mạnh, đầu tư khu vực ngoài nhà nước đình trệ. Thị trường lao động trong khu vực công nghiệp, đặc biệt ở một số ngành (dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, thủy sản) vẫn đang bị tác động tiêu cực do số lượng đơn hàng giảm mạnh, chi phí đầu vào tăng cao; một bộ phận người lao động mất việc làm, giảm giờ làm, phải nghỉ việc luân phiên.
Ngày 29/8/2023, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã có văn bản số 07/HĐTLQG-QHLĐTL báo cáo Chính phủ về việc xem xét phương án tiền lương tối thiểu áp dụng cho năm 2024. Trong đó nêu rõ hiện chưa đánh giá hết được các tác động và sự báo tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới, chưa hội đủ các căn cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất phương án điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024. Vì vậy, Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép lùi thời gian họp thương lượng, đưa ra khuyến nghị với Chính phủ phương án lương tối thiểu vào khoảng cuối quý IV năm 2023.
Từ thực tế trên, Bộ LĐTB&XH đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa nội dung trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ra khỏi Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ. Và, giao cho Bộ LĐTB&XH xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sau khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia khuyến nghị Chính phủ về phương án lương tối thiểu năm 2024.
Hiện nay, người lao động làm việc trong DN theo hợp đồng lao động có mức lương tối thiểu tháng, vùng 1 là: 4.680.000 đồng; vùng 2 là 4.160.000 đồng; vùng 3 là 3.640.000 đồng; vùng 4 là 3.250.000 đồng.
Tháng 8/2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động, năm 2023. Kết quả cho thấy, tiền lương cơ bản hàng tháng của người lao động nhận được trung bình là 6.065.000 đồng. Thu nhập trung bình của người lao động là 7.885.000 đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập tháng của họ. 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của DN.
Với mức thu nhập như vậy, chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; 75,5% cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.
Có 17,3% người lao động thường xuyên phải vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an.