Tới dự buổi lễ có lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo thành phố Hà Nội, các ban ngành thành phố và nhân dân địa phương.
Lễ đón nhận 'Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Đình Chèm'.
Đình Chèm (còn gọi là đền Chèm hay đền Lý Hiệu Uý) thờ Đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng (Lý Thân hay Đức Thánh Chèm), người làng Chèm sinh vào thời Hùng Duệ Vương. Ngài đã hết lòng phò tá giúp An Dương Vương đánh bại quân xâm lược nhà Tần; hoàn thành xuất sắc sứ mệnh nhà vua giao khi đi sứ nước Tần để giữ gìn hòa hiếu với lân bang, được sử sách tôn vinh là nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam. Đình Chèm là một trong những ngôi đình thuộc loại cổ nhất ở Việt Nam.
Hiện đình Chèm còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao như: 16 cuốn sách chữ Hán, 3 đạo sắc phong của các vua Nguyễn, 4 tấm bia đá, 10 tượng thờ, 8 bức hoành phi, 15 câu đối, 2 chuông đồng đúc thời Nguyễn cùng các đồ khí tự có giá trị (như: 8 sập thờ, 4 nhang án, long ngai bài vị, bát hương, cây đèn cây nến, bát bửu, lọng thờ…).
Đặc biệt, đình Chèm vẫn còn lưu giữ được chiếc lư hương ngàn năm tuổi, cây thiên mệnh rất quý hiếm, có hệ thống máng dẫn nước mưa được đúc bằng đồng vào các năm 1748, 1756, thời vua Lê Hiển Tông và thời vua Minh Mệnh năm 1824.
Để tri ân công đức của Đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng, hàng năm cứ vào dịp rằm tháng 5 âm lịch nhân dân ba làng gồm: Làng Chèm (nay là phường Thụy Phương), làng Hoàng và làng Mạc (phường Liên Mạc) cùng tổ chức lễ hội truyền thống. Lễ hội đình Chèm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Quận ủy quận Bắc Từ Liêm Trương Quang Thiều khẳng định: "Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đình Chèm là cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Quận sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di tích. Đồng thời, quận tiếp tục quảng bá tiềm năng phát triển du lịch từ giá trị các di tích lịch sử - văn hóa có trên địa bàn".
Nhắc đến hội Chèm, dân gian thường có câu ca “Thứ nhất là hội Cổ Loa, thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm”.