Vừa qua, Văn phòng Đại diện báo Kinh tế & Đô thị tại TP Hồ Chí Minh đã nhận được đơn phản ánh của gần 20 hộ dân tại thôn 6 (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Trong đơn, các hộ dân này đã “kêu cứu” khi một dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt - lò đốt rác được xây dựng tại tiểu khu 143 thuộc địa phương này nếu đi vào hoạt động sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nặng đến đời sống sinh hoạt, kinh tế của người dân.
Người dân đang phản ánh với PV về những bất thường khi xây lò đốt rác tại xã Đạ Sar
“Từ năm 2017, chúng tôi đã thấy có một nhóm người vào khu rừng thông để chặt hạ hàng loạt cây thông lớn và đem cả xe ben, xe cẩu chuyên dụng vào cẩu đem đi. Khi đó, chúng tôi cứ tưởng là cơ quan chức năng khai thác gỗ nên không có ý kiến gì. Đến năm 2020 – 2021, khi họ cắm cọc, giữ đất và cho biết nơi đây sẽ xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt của huyện Lạc Dương thì chúng tôi mới biết”, anh N.T.H., người dân nơi đây cho biết.
Nhiều cây thông lớn đã bị chặt phá |
Cũng theo anh N.T.H., khu vực mà họ đến căm biển thông báo khu vực xây lò đốt rác, rào ranh giữ đất nằm ngay bên cạnh khu dân cư đã sinh sống ổn định từ lâu, một số khu dân cư mới đã và đang được xây dựng. Đặc biệt, quanh khu vực này đang làm nông nghiệp sạch của hơn 20 cơ sở, cung cấp rau quả sạch cho nhiều tỉnh phía Nam. Chính vì vậy, nếu “lò đốt rác” được đưa vào hoạt động, chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, cảnh quan xung quanh và sức khỏe con người. Hơn thế nữa, họ cho rào bít con đường dân sinh độc đạo để vào khu dân cư của mà chúng tôi đang sinh sống, kinh doanh.
Khu nông nghiệp sạch gần khu vực dự kiến xây lò đốt rác ở xã Đạ Sar
Con đường dân sinh độc đạo đã bị rào bít...
...người đân đã phải phá hàng rào để đi lại
Cũng trong tâm trạng lo lắng, chị N.T.K.K., một hộ dân khác cho rằng, dù là ở nơi đất chật người đông như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh…khi làm các dự án xử lý rác đều phải chọn nơi cách xa khu vực người dân sinh sống, canh tác. Đằng này, huyện Lạc Dương đất rộng mênh mông, đất bạt ngàn, tại sao lại chọn xây dựng lò đốt rác ở tiểu khu 143, nơi có nhiều người dân sinh sống và trồng trọt từ nhiều năm nay.
“Lúc biết tin sẽ xây dựng lò đốt rác ở đây, chúng tôi thấp thỏm lo sợ vấn đề ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Quan trọng hơn nữa là việc đốt rác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của chúng tôi, con chúng tôi, cháu chúng tôi….những thế hệ mai sau cũng sẽ gắn bó với mảnh đất này” – chị N.T.K.K. nói.
Hồ chứa nước sinh hoạt, nước tưới duy nhất của người dân khu vực này đã bị dự án lò đốt rác bao chiếm
Nguyện vọng của đa số người dân nơi đây là mong chính quyền địa phương xem xét lại kế hoạch xây dựng dự án lò đốt rác ở nơi này. Theo đó, nên đưa lò đốt rác ra xa khu dân cư, khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân, nghiên cứu xác định một vị trí thích hợp và thuận tiện hơn nhằm tránh gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường rừng, cảnh quan cây cối đang xanh sạch đẹp, cùng nhiều khu dân cư lân cận đang hiện hữu.
Biển thông báo dự án lò đốt rác
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ngày 28/12/2020, Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản số 10395/UBND-ĐC về việc chấp thuận ranh giới, diện tích đất thu hồi để xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.
Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận ranh giới, diện tích đất để lập thủ tục xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương với tổng diện tích 22.001,1m2. Vị trí, ranh giới, diện tích của dự án là theo Bản đồ do Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh lập, đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định.
Văn bản của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chấp thuận ranh giới, diện tích đất để lập thủ tục xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đạ Sar. Nhưng khi PV hỏi...thì ông S nói chưa được huyện Lạc Dương báo cáo!
Tuy nhiên, qua trao đổi với Chánh văn phòng UBND huyện Lạc Dương, vị này cho biết, đến thời điểm hiện tại, dự án mới chỉ trong quá trình lấy ý kiến người dân và kêu gọi đầu tư chứ thực tế chưa làm gì cả.
“Trong quá trình báo chí tiếp nhận thông tin, nếu người dân có những phản ánh, kiến nghị gì thì gửi về UBND huyện, để huyện tiếp nhận và xử lý chung” - Chánh văn phòng UBND huyện Lạc Dương nói.
Tiếp tục trao đổi qua điện thoại với ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, vị này cũng khẳng định, theo quy hoạch nông thôn mới, thì mỗi huyện, phải có một khu xử lý rác thải. Tuy nhiên, hiện nay, lò đốt rác của UBND huyện Lạc Dương chưa được đơn vị này báo cáo lên UBND tỉnh.
“Chúng tôi sẽ làm việc lại với huyện và coi lại quy hoạch. Nếu không phù hợp thì sẽ chuyển làm ở chỗ khác”, ông S cho hay.
Trạm điện đã được lắp đặt tại vị trí xây lò đốt rác - Ảnh: Hà Nam
Như vậy, căn cứ theo những gì mà đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Lạc Dương đã phản hồi với PV báo Kinh tế & Đô thị, thì đến thời điểm này dự án lò đốt rác ở tiểu khu 143 (thôn 6, xã Đarsa, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) vẫn chỉ đang ở giai đoạn lấy ý kiến và kêu gọi đầu tư, chưa được phê duyệt chính thức.
“Nếu vậy thì tại sao, huyện Lạc Dương đã cho làm con đường bê tông dài 3,5km từ đường nhựa vào đến vị trí xây dựng lò đốt rác và tại vị trí này cũng đã được lắp đặt trạm điện hạ thế? Vậy, nhóm người tới khu vực này chặt cây, cắm bảng thông tin dự án lò đốt rác, cắm cọc, rào ranh giữ đất là ai, có vai trò gì trong dự án này?”, anh N.T.H bức xúc đặt câu hỏi.
Con đường bê tông dài 3,5km vào vị trí lò đốt rác đã được thi công hoàn thành - Ảnh: Hà Nam
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền có nên xem xét lại sự hợp lý khi đặt dự án lò đốt rác tại khu Đồi Cao, thôn 6, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương hay không?
Bởi, trên thực tế huyện Lạc Dương là một huyện có diện tích khá rộng, nằm sát với TP Đà Lạt. Nếu được phê duyệt xây dựng, để vận chuyển rác từ trung tâm huyện Lạc Dương đến bãi rác phải qua quãng đường lên tới 25 km, trong đó có khoảng 15 km phải đi qua 6 phường của TP Đà Lạt.
3,5km đường vào lò đốt rác nhỏ hẹp, nhiều đèo dốc và cua gấp tất nguy hiểm với các loại xe tải chuyên dụng - Ảnh: Hà Nam
Không những thế, theo ghi nhận của phóng viên, con đường đi lên khu xây dựng lò đốt rác khá quanh co, gấp khúc, nhỏ hẹp khi chiều ngang có 3,5 – 4m. Nếu trong trường hợp lò đốt rác được xây dựng tại đây, các xe chở rác có trọng tải nặng đi vào rất dễ để phá hư đường sá. Đặc biệt, trong mùa mưa lũ sẽ dễ xuống cấp, sụt lún, gây mất an toàn giao thông, kẹt xe….
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.