Không đánh nhau… vẫn bị xử tù!
Ngày 20/4, TAND tỉnh Lâm Đồng sẽ xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Huỳnh Bản (SN 1973) và Hoàng Huy Diệp (SN 1989), và vụ án “Gây rối trật tự công cộng” đối với bị cáo Nguyễn Thanh Khương (SN 1977), Phan Trường Vũ (SN 1970) và Đặng Đình Luân (SN 1991), theo đơn kháng cáo của các bị cáo.
Theo nội dung 2 bản án sơ thẩm cùng số 156/2021/HS-ST, phát hành cùng ngày 27/10/2021 (bản án số 156 - PV) của TAND huyện Đức Trọng. Bà Lý Ngọc Liên (SN 1970, ngụ xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) và ông Nguyễn Đức Hải (SN 1969, chồng bà Liên) nợ tiền hụi của vợ chồng bà Lê Thị Hiệp (SN 1969) và Phan Trường Vũ, Đỗ Thị Diễm Thúy (SN 1978) và Nguyễn Thanh Khương, Đỗ Thị Tuyết Minh (SN 1980, tất cả cùng ngụ xã Phú Hội).
Bản án gốc (trái) tuyên án xong, HĐXX TAND huyện Đức Trọng phát hành bản án sai (phải), rồi phải sửa chữa nhưng vẫn nhận định mơ hồ là... "có thể" để tuyên án.
Chiều 21/2/2020, sau khi cùng với Vũ, Hiệp, Minh, Diệp và Luân ăn giỗ tại nhà người thân, ông Khương chở Thúy về phòng trọ và nói đến nhà vợ chồng ông Hải - Liên để đòi tiền nợ. Ông Khương lấy cây gậy ba khúc nhét vào túi quần mang theo. Nghe chồng nói vậy, bà Thúy gọi điện báo cho bà Hiệp và đến nhà bà này. Lúc này nhà bà Hiệp có Bản, Luân, Diệp và Minh nên cả nhóm cùng nhau đến nhà vợ chồng Hải - Liên đòi nợ.
Tại nhà ông Hải - Liên, xảy ra xô xát giữa ông Hải với Bản. Lúc này bà Liên dùng bình xịt thuốc côn trùng xịt vào ông Bản và Luân, đồng thời cầm điện thoại quay phim nên Luân dùng tay gạt điện thoại rơi xuống đất.
Ông Khương thấy bà Liên cũng dí bình xịt về phía mình, nên lấy gậy ba khúc đuổi (nhưng không đánh) bà Liên chạy, rồi Khương đi ra ngoài. Lúc này Diệp nhặt một cây sắt (dạng xà beng) trong nhà ông Hải, đánh 2 cái trúng vai và lưng ông Hải khiến ông này ngã xuống, rồi bỏ lại cây sắt đi ra ngoài. Khi ông Hải đang đứng dậy, Bản bước tới nhặt cây sắt Diệp vừa ném để đánh ông Hải 2 cái trúng vùng mắt bên trái và vùng mặt, rồi cầm cây sắt đi ra ngoài đưa cho Thúy, ít phút sau Thúy mang vứt đi.
Sau đó, Khương lấy giấy vàng mã (mua trước đó để cúng đám giỗ nhưng chưa đốt), rải trước cổng nhà ông Hải, rồi tất cả về nhà. Đến ngày 22/5/2020, tại bản kết luận giám định thương tích (KLGĐTT) số 75/2020/TgT, kết luận ông Hải là 42%. Đến ngày 28/7/2020, tại KLGĐTT bổ sung số 132/2020/TgT, kết luận tỷ lệ thương tích của ông Hải là 46%.
Ngày 27/10/2021, TAND huyện Đức Trọng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Bản 06 năm tù và Diệp 03 năm tù với cùng tôi danh "Cố ý gây thương tích"; tuyên phạt Khương 24 tháng tù, Vũ 18 tháng tù, Luân 12 tháng tù cùng về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Tòa nhận định “có thể”...để kết án!
Đối với bị cáo Bản và Diệp, tòa án sơ thẩm nhận định: “Có thể xác định” bị cáo Bản đánh ông Hải trước. Khi Diệp dùng cây sắt đánh ông Hải 2 cái làm ông Hải ngã xuống, mất khả năng kháng cự. Hành vi của Diệp đã tạo điều kiện thuận lợi về vật chất để Bản gây thương tích cho ông Hải..., đã chứng minh Diệp là đồng phạm với Bản. Từ nhận định “có thể” nêu trên, HĐXX phiên sơ thẩm tuyên phạt Bản 6 năm tù, Diệp 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Hai bản án sơ thẩm cùng số hiệu 156, phát hành cùng ngày 27/10/2021, đã có sửa chữa, bổ sung nhưng vẫn nhận định “có thể”, để kết án bị cáo.
Sau khi bản án số 156 phát hành, do phát hiện sai sót, nên ngày 15/11/2021, TAND huyện Đức Trọng ra thông báo “Sửa chữa, bổ sung bản án” điểm, khoản. Tuy nhiên bản án 156 vẫn tiếp tục giữ nguyên nhận định “có thể” để kết án.
Về 2 bản án có cùng số 156, phát hành cùng ngày 27/10/2021, luật sư Dương Vĩnh Tuyến - Trưởng Văn phòng Luật sư Dương Chí (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước), khẳng định: “Trong cả 2 bản án cùng số 156, HĐXX đều nhận định “có thể” để kết tội - Đây là mơ hồ về nhận thức. Bởi vì HĐXX nhân danh Nhà nước thực hiện chức năng xét xử, đưa ra phán quyết ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của một công dân. Do đó bản án không được phép dùng từ “có thể”. Vì nhận định “có thể” đồng nghĩa “có” hoặc “không”. Trong khi trách nhiệm và nghĩa vụ của HĐXX là phải khẳng định hành vi của bị cáo có phạm tội hay không phạm tội. Nguyên tắc xử lý hình sự là cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh có tội phạm xảy ra hay không? Nếu có, ai là người thực hiện hành vi? HĐXX tòa sơ thẩm nhận định “có thể”, có nghĩa bản thân HĐXX không khẳng định được hành vi của bị cáo phạm tội hay không. Một khi đã không khẳng định được thì phải tuyên không có tội”.
Cũng theo luật sư Dương Vĩnh Tuyến, đối với 3 bị cáo Khương, Vũ và Luân bị tuyên phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” là cũng sai. Bởi vì nếu kết tội này, thì người bị kết tội phải thực hiện hành vi gây rối ở nơi công cộng. Trong khi hành vi của các bị cáo xảy ra trong nhà ông Hải, không phải nơi công cộng.
Đối với bị cáo Luân, tòa nhận định có hành vi gạt tay, rượt bà Liên chạy vào trong nhà để không cho bà này ghi hình, tất nhiên không có tiếng động mạnh đến mức người bên ngoài nghe được, chứ nói gì đến gây rối trật tự! Do đó hành vi gạt tay, rượt chạy từ trước ra sau trong nhà của ông Hải không cấu thành tội gây rối trật tự công cộng.
Đối với bị cáo Vũ, tòa sơ thẩm nhận định Vũ chở ông Bản đi và chở về, cũng không gây rối trật tự công cộng. Bởi hàng ngày, cả triệu người dân trên cả nước chở người đi, về. Nếu Vũ chở ông Bản mà có hành vi nẹt pô, la ó, gạt chống xuống đường cho tóe lửa nhằm gây chú ý của người đi đường thì mới được xem là gây rối. Còn hành vi của ông Khương rải giấy vàng mã, chỉ là xả rác, thì không thể xem là hành vi gây rối, chưa kể còn rất nhiều yếu tố khác.
“Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án cần phải có bao nhiêu người thấy ông Khương rải giấy vàng mã? Đặc biệt, phải chứng minh có người đứng nhìn là hậu quả của hành vi gây rối, vì con gà gáy mà gọi là trời sáng thì không có mối quan hệ nhân quả. Do đó, TAND tỉnh Lâm Đồng cấp phúc thẩm khi xét xử cần xem xét lại vụ án. Vì những cái sai của cấp tòa sơ thẩm quá rõ ràng”, luật sư Dương Vĩnh Tuyến khẳng định.
Không bàn bạc, phân công thì không phải đồng phạm Luật sư Cao Thế Luận, Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu, phân tích: Bản án sơ thẩm 156 nhận định Diệp là đồng phạm của ông Bản là không đúng. Bởi vì Diệp nhặt cây sắt (trong nhà ông Hải), đánh ông Hải 2 cái trúng lưng, vai rồi quẳng cây sắt đi ra ngoài. Lúc này ông Bản bước vào nhặt cây sắt đánh ông Hải ngay vùng mặt. Nếu là đồng phạm, bắt buộc phải cùng bàn bạc, phải phân công thực hiện hành vi tội phạm. Trong bản án thể hiện giữa Diệp và ông Bản không có việc bàn bạc hay phân công, nên không thể nói Diệp là đồng phạm. |