Bỗng dưng bị nhận quyết định xử phạt hành chính!
Ngày 25/4, TAND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định hành chính trong quản lý Nhà nước về đất đai”. Nguyên đơn trong vụ án này là Công ty Pró, người đại diện theo ủy quyền là ông Lê Minh Nguyên và ông Nguyễn Trọng Nhân.
Công ty Pró nhìn từ trên cao cho thấy nằm xa lòng hồ thủy lợi Pró và cách hẳn con đường. Nhưng Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương vẫn ra quyết định trái luật.
Người bị kiện là ông Dương Đức Đại - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Đình Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện. TAND tỉnh Lâm Đồng cũng triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, gồm: UBND tỉnh Lâm Đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương cùng 3 người dân.
Những người tiến hành tố tụng trong vụ án này là: Thẩm phán Dư Thành Trung - Chủ tọa phiên tòa; các Hội thẩm Nhân dân là ông/bà: Trần Thi Bắc, Vũ Thị Thái. Đại diện Viện KSND tỉnh là kiểm sát viên Ngô Phạm Thế Mỹ.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện là luật sư Nguyễn Tấn Thi - Công ty Luật TNHH Hoa Sen thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh. Những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện là một số lãnh đạo phòng của huyện Đơn Dương, gồm các ông: Lê Quốc Dũng - Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội; Hoàng Công Hiếu - Trưởng phòng TN&MT; Nguyễn Trọng Phú - Trưởng phòng Tư pháp; Nguyễn Văn Anh Tuấn - Phó phòng Kinh tế hạ tầng; Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Pró.
Như chuyên trang Tieudung.kinhtedothi.vn đã thông tin, ngày 5/9/2022 Công ty Pró nhận được quyết định hành chính (QĐHC) số 1268 và 1269 do Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương ký cùng ngày 30/8/2022. Căn cứ để ban hành 2 QĐHC này là biên bản vi phạm hành chính (VPHC) số 23/BB-VPHC lập ngày 23/8/2022.
Tại QĐ số 1268, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho rằng Công ty Pró có các hành vi VPHC tại một số thửa đất và vị trí tọa độ trung tâm: Làm lều, quán, tường, xây dựng công trình tạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi với diện tích 290m2 thuộc thôn Đông Hồ, xã Pró (công trình xây dựng năm 2022); đào, đắp, ao hồ trong phạm vi công trình thủy lợi với diện tích 48m2 thuộc thôn Đông Hồ (công trình xây dựng năm 2022); chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với tổng diện tích 1.547m2 thuộc một phần các thửa số 142, 24, 25, 26, 30, 03, phần diện tích đất chưa có số thửa trên bản đồ thuộc tờ bản đồ số 339b và phần diện tích chưa có số thửa thuộc tờ bản đồ số 316g xã Pró mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép (thực hiện năm 2021, 2022).
Doanh nghiệp kiện các QĐHC trái luật của Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương
Với 3 hành vi nêu trên, Công ty Pró bị xử phạt 60,4 triệu đồng, bị buộc phá dỡ các công trình, khôi phục lại tình trạng ban đầu trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được QĐ số 1268. Còn tại QĐ số 1269, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương buộc Công ty Pró thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (KPHQ) với lý do chiếm đất nông nghiệp là đất rừng phòng hộ tại khu vực nông thôn với diện tích 1.027 m2. Theo đó, tại vị trí 1 (tọa độ trung tâm 588487-1295727) diện tích 139 m2, vị trí 2 (tọa độ trung tâm 588502 -1295651) diện tích 888 m2, đều đã trồng quýt và cà phê. Buộc phá bỏ cây trồng tại hai vị trí trên trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được QĐ số 1269.
Người dân và doanh nghiệp không lấn chiếm lòng hồ, bất ngờ nhận quyết định xử phạt và cưỡng chế trái pháp luật. Còn Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi được vô tư khai thác cát trong lòng hồ thủy lợi Pró, khiến nguồn nước vẩn đục làm củ năng của dân trồng bị chết!
Sau khi nhận QĐ số 1268 và 1269, Công ty Pró nộp đơn kiện Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương đến TAND tỉnh Lâm Đồng với lý do các QĐHC này có nhiều vi phạm và không phù hợp với quy định pháp luật. Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương đã xử phạt sai chủ thể. Bởi lẽ, những công trình, tài sản trên đất nêu trong các QĐHC là các tài sản hiện hữu, không phải tài sản của công ty. Công ty Pró không xây dựng hay tạo dựng đối với các tài sản này. Trụ sở công ty đặt tại căn nhà tạm cấp 4, nhưng cũng không phải do công ty xây mà thuê của người dân.
Về trình tự, thủ tục ban hành QĐ số 1268 và 1269 cũng không đúng. Vì một trong các căn cứ ban hành 2 QĐHC là biên bản VPHC số 23/BB-VPHC lập ngày 23/8/2022. Trong khi đó, tại điều 58 Luật Xử lý VPHC năm 2012 và khoản 29 điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC năm 2020, quy định rõ: Biên bản VPHC phải được lập tại nơi xảy ra hành vi VPHC. Trường hợp biên bản VPHC được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Biên bản VPHC có nội dung chủ yếu: Thời gian, địa điểm lập biên bản; thông tin về người lập biên bản, cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; mô tả vụ việc, hành vi vi phạm; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC; quyền và thời hạn giải trình.
Biên bản VPHC phải được lập thành ít nhất 2 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký. Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 1 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản VPHC lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức VPHC 1 bản…
Tòa án tuyên hủy 4 QĐHC của Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương
Trước việc Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương ban hành 2 QĐHC trái pháp luật nên Công ty Pró nộp đơn kiện. Ngày 7/10/2022, TAND tỉnh Lâm Đồng ra thông báo thụ lý vụ án. Thế nhưng, vào lúc 20 giờ 15 phút tối cùng ngày, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương tiếp tục gửi QĐ số 1574 và QĐ số 1575 ký cùng ngày 5/10/2022 để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC và cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp KPHQ đối với QĐ số 1268 và 1269.
Do đó, Công ty Pró đã làm đơn khởi kiện bổ sung với yêu cầu hủy luôn QĐ số 1574 và QĐ số 1575, đồng thời yêu cầu TAND tỉnh Lâm Đồng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) để tạm đình chỉ việc thi hành 4 QĐHC bị kiện.
Trong lòng hồ thủy lợi Pró có một HTX được cấp phép nuôi cá. Do nước bị vẩn đục bởi Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi khai thác cát nên những cái chòi giờ đậu làm kiểng.
Đến ngày 1/3, TAND tỉnh Lâm Đồng đưa vụ án ra xét xử, nhưng hoãn phiên tòa để nguyên đơn và bị tiến hành thương lượng. Ngày 16/3, giữa nguyên đơn và bị đơn có buổi đối thoại nhưng không thành do người bị kiện vẫn bảo lưu các QĐHC bị kiện. Ngày 31/3, TAND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đưa vụ án ra xét xử, lần này những người đại diện bị đơn là Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, đã cung cấp cho HĐXX chứng cứ là một thiết bị USB, và cho rằng trong USB có chứa các clip quay lại, ghi nhận các hành vi xây dựng vi phạm của Công ty Pró.
Vì vậy HĐXX đã quyết định tạm ngừng phiên tòa trong thời hạn 25 ngày, để người bị kiện là UBND huyện Đơn Dương có thời gian cung cấp bản giải trình cụ thể đối với những nội dung mà HĐXX yêu cầu. Tuy nhiên đã hết thời hạn quy định nhưng UBND huyện Đơn Dương vẫn không cung cấp được bản giải trình cho tòa án.
Ngày 25/4, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX TAND tỉnh Lâm Đồng đã tuyên hủy 4 QĐHC, gồm: QĐ số 1268 và QĐ số 1269 do Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương ký cùng ngày 30/8/2022; QĐ số 1574 và QĐ số 1575 cũng do Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương ký cùng ngày 5/10/2022.
Đối với nội dung Công ty Pró kiện yêu cầu bị đơn phải bồi thường 40 triệu đồng là tiền công ty bị thiệt hại khi phải thuê luật sư tư vấn pháp lý, bảo vệ tại phiên tòa, chi phí đi lại, in ấn hồ sơ…, HĐXX tuyên nội dung này sẽ được giải quyết ở một vụ án dân sự khác.