Khai thác cát trên sông Tiền, đoạn chảy qua huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ảnh Hồng Lĩnh
Những năm gần đây nhiều vấn đề báo động đỏ đã được đặt ra cho vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Báo động về biến đổi khí hậu, báo động về ô nhiễm, báo động về cạn kiệt tài nguyên, về xâm nhập mặn, về sạt lở… Và, đặc biệt vấn nạn khai thác cát “vô trách nhiệm” trên những dòng sông.
Giám sát chặt chẽ ...
Đồng hành cùng phóng viên báo Kinh tế & Đô thị là là Ba Thành - một “thổ địa” người Long Xuyên (An Giang). Chúng tôi thuê một chiếc ghe và trực chỉ phía hữu ngạn (bờ nam) dòng sông Hậu, từ TP Long Xuyên hướng về thượng nguồn huyện An Phú, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Ba Thành dặn dò: “Có ai hỏi thì anh nói là ở quê mới lên đi du lịch. Quay phim, chụp hình cũng kín đáo, đừng lộ liễu quá. Ghe tàu tại các mỏ cát đều được gắn camera 24/24, thứ nhất là để giám sát hoạt động khai thác, thứ hai là theo dõi ngành chức năng và… báo chí”.
Ra khỏi TP Long Xuyên vài km là cảnh những chiếc ghe tàu trọng tải lớn xuôi ngược nhộn nhịp, chủ yếu là vận chuyển và khai thác cát trên sông. Cát được chở đi tiêu thụ khắp các tỉnh ở khu vực ĐBSCL với những sà lan, tàu đủ các loại 100 tấn, 250 tấn đến hàng ngàn tấn. Danh sách ngành chức năng tỉnh An Giang công bố danh mục các doanh nghiệp được khai thác trên sông Tiền và sông Hậu cho thấy tổng sản lượng khai thác chỉ trên 5 triệu tấn mỗi năm trên tổng diện tích hơn 400 ha. Trong đó đơn vị được cấp ít nhất là 10 ha, và cao nhất trên 80 ha.
Tuy việc cấp phép khai thác là vậy, nhưng quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác lại đặt ra nhiều dấu hỏi.
Được biết, Sở TN&MT An Giang đã lắp đặt hệ thống giám sát (lắp thiết bị định vị trên phương tiện khai thác, lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động 24/24 giờ xung quanh khu vực khai thác). Định kỳ 2 lần/năm, tỉnh đo địa hình đáy lòng sông tại khu vực khai thác. Sở TN&MT còn tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, định kỳ kiểm tra hoạt động khai thác của các khu mỏ (4 lần/năm); phối hợp Công an tỉnh kiểm tra, xử lý vi phạm…
Sà lan cả ngàn tấn nằm chờ "ăn" cát trên dòng sông Hậu, đoạn chảy qua tỉnh An Giang. Ảnh Hồng Lĩnh
Mặt khác tại Điểm c, điều 10, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/02/2020 “Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông” ghi rõ: “Phải lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin của bến bãi tập kết cát, sỏi với các nội dung: Địa chỉ cung cấp cát, sỏi được tập kết tại bến bãi; lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi, diện tích bến bãi”. Tuy nhiên, qua khảo sát không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện đầy đủ vấn đề này.
... nhưng vẫn có nhiều sai phạm nghiêm trọng
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận thanh tra số 1654/TB-TTCP ngày 20/7/2023 về Việc chấp hành pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản; công tác cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn tình An Giang giai đoạn 2015 -2020”. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những sai phạm nghiêm trong trong việc khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang.
Cụ thể: Giai đoạn từ 01/7/2011 đến 31/12/2020, UBND tỉnh An Giang cấp 4 giấy phép thăm dò khoáng sản cát sông tại khu vực không đấu giá nhưng không thực hiện thủ tục lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản là không đúng quy định tại Điều 13 và Điều 35 Nghị định 15/2012/NĐ-CP, Điều 25 và Điều 58 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ sau ngày 01/7/2011, UBND tỉnh An Giang thực hiện gia hạn đối với 15 giấy phép khai thác cát cấp trước ngày 01/7/2011 là không đúng quy định nêu tại khoản 1 Điều 84 Luật Khoáng sản năm 2010; cấp 7 giấy phép khai thác cát thuộc khu vực khoanh định không đấu giá nhưng không xác định phục vụ riêng cho các công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước, công trình khắc phục thiên tai, địch hoạ, công trình hạ tầng giao thông và công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới là không đúng quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 15/2012/NĐ-CP và điểm đ khoản 1 Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Giai đoạn từ 01/7/2011 đến 31/12/2020 UBND tỉnh An Giang cấp tổng cộng 19 giấy phép thăm dò và khai thác cát trái quy định (ảnh chụp từ kết luận dủa Thanh tra Chính phủ)
UBND Tỉnh không thu tiền cấp quyền khai thác cát đối với 2 trường hợp gia hạn khai thác cát là không đúng quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định 158/2016/NĐ-CP và Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tổng số tiền cần thu nộp ngân sách nhà nước là 2.616,999 triệu đồng; xác định tiền cấp quyền khai thác cát đối với 2 tổ chức theo giá cát san lấp trong khi quyết định phê duyệt trữ lượng cát trước đó là cát xây dựng là không đúng thực tế với tổng số tiền cần thu nộp ngân sách nhà nước là 25,475 triệu đồng…
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ: Cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương không thực hiện việc kiểm kê trữ lượng cát tại các mỏ cát lòng sông đã cấp phép, không có biện pháp đảm bảo giám sát chặt chẽ khối lượng cát khai thác thực tế hàng năm tại các mỏ được cấp phép. Cục Thuế và Sở TN&MT tỉnh An Giang không phối hợp thực hiện đối chiếu khối lượng cát khai thác của tổ chức được cấp phép khai thác cát giai đoạn 2015-2020 là không đúng quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư 152/2015/TT- BTC của Bộ Tài chính về cơ chế phối hợp giữa cơ quan Thuế, cơ quan Tài nguyên và Môi trường trong việc quản lý hoạt động khai thác tài nguyên. Có trường hợp doanh nghiệp khai thác cát kê khai nộp thuế với cơ quan thuế không đúng khối lượng cát thực tế đã báo cáo với Sở TN&MT.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm trong khai thác cát ở An Giang. Ảnh Hồng Lĩnh (minh họa)
Các đơn vị được cấp phép khai thác cát thuộc dự án “Chính trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở bờ sông Hậu, bảo vệ đô thị thành phố Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu” khai thác chậm tiến độ, công suất đạt thấp so với giấy phép xác định, trong đó có 1 tổ chức được cấp phép khai thác với diện tích nhỏ hơn nhiều so với diện tích được Bộ TN&MT phê duyệt tại dự án, không đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu của dự án nhưng cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương không có biện pháp kiểm tra, đôn đốc hoặc xử lý theo quy định.
Đến thời điểm thanh tra (tháng 6/2022), Hợp tác xã khai thác cát Chợ Mới còn nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường với số tiền 981.482.623 đồng nhưng Cục thuế tỉnh An Giang chưa có biện pháp xử lý cương quyết để thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
“Trách nhiệm đối với các hạn chế, vi phạm nêu trên thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Giám đốc Sở TN&MT giai đoạn 2011-2020 và các tổ chức, cá nhân có liên quan” Thanh tra Chỉnh phủ chỉ rõ.