Giá Honda Vision khách hàng thực mua là 44.900.000 đồng, tuy nhiên đại lý chỉ xuất hóa đơn 35 triệu (bằng giá đề xuất của Honda)
Theo thông tin từ Honda Việt Nam đưa ra, trong tháng 3/2022 hãng này bán được 180.853 xe máy, trong đó xe Vision là 46.667 chiếc. Tuy nhiên, để mua một xe Honda Vision, theo ông Nguyễn Quốc Bình - Quản trị viên mạng xã hội Xe và giao thông OFFB, các đại lý Honda Việt Nam hầu như bán chênh lệch 10 triệu đồng/xe. Cụ thể, giá niêm yết 35 triệu đồng, bán ra gần 45 triệu đồng nhưng đại lý không ghi vào hóa đơn số tiền chênh lệch. Như vậy số tiền “kê thêm” trong tháng 3/2022, có thể tạm tính 46.667 xe Vision nhân với gần 10 triệu đồng/chiếc, đã gần 466 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Bình, phân tích: Chỉ riêng xe Honda Vision đã gần 466 tỷ đồng, giả sử tất cả các xe đều bị chênh lệch 10 triệu đồng nhân với 180.853 chiếc xe máy bán ra trong tháng 3/2022 (chưa nói đến xe ô tô các loại), thì số tiền không ghi vào hóa đơn là cực lớn. Đơn cử các loại Honda SH, SH Mode chênh lệch từ 15 - 25 triệu đồng, SH350i chênh lệch tới 40 triệu đồng. Thế nhưng số tiền cực lớn này lại không nằm trong khoản thu thuế của Nhà nước (10% thuế VAT, 20% thuế Doanh nghiệp).
Từ những con số nêu trên, ông Nguyễn Quốc Bình khẳng định không chỉ khách hàng chịu thiệt, mà Nhà nước còn bị mất nguồn thu thuế với con số khủng. Đây chỉ mới là phép tính tương đối, nhưng đáng để cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc để Nhà nước không bị thất thu thuế.
Xe máy của hãng Honda Việt Nam được các đại lý bán ra cao hơn giá niêm yết, nhưng trong hóa đơn vẫn ghi giá niêm yết - Ảnh: OFFB
Việc các đại lý bán xe máy Honda không ghi vào hóa đơn số tiền thực mà người mua đã trả, có dấu hiệu của tội trốn thuế hay không và bị xử lý ra sao? Luật sư Trần Thị Ánh - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), nhận định trốn thuế là hành vi vi phạm quy định về quản lý thuế của Nhà nước nhằm mục đích không nộp tiền thuế cho Nhà nước mà đáng lẽ phải nộp. Một trong những hành vi trốn thuế là: “Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán”.
Cũng theo luật sư Trần Thị Ánh, trường hợp số tiền trốn thuế dưới 100 triệu đồng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC theo cấp số nhân với mức thuế đã trốn. Nếu số tiền trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng, nhưng đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, hoặc đã bị kết án về tội trốn thuế và chưa được xóa án tích thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017, có mức phạt tù thấp nhất 3 tháng, cao nhất là 7 năm tù giam.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền thấp nhất 300 triệu đồng, cao nhất 10 tỷ đồng tùy theo số thuế trốn. Ngoài ra còn có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn trong khoảng thời gian từ 1 - 3 năm.