Điều chuyển sai luật
Theo Luật sư Dũng, trong công tác tổ chức cán bộ, cơ quan, tổ chức cấp trên có quyền điều chuyển cán bộ công chức nhưng phải tuân theo qui định pháp luật và các qui định của điều lệ, nghị quyết của Đảng. Trường hợp bà Lê Thị Công, nguyên giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một cán bộ đầu ngành bị thuyên chuyển công tác đột xuất chỉ phù hợp trong hai trường hợp: Một là được thăng chức, hai là có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng.
Bà Lê Thị Công phát biểu tại diễn đàn Quốc hội |
Trong đó, chuyển công tác trong trường hợp liên quan đến tham nhũng được qui định tại Điều 53a Luật phòng chống tham nhũng 2005, sửa đổi bổ sung 2012. Theo đó: “Cấp trên chỉ được chuyển công tác khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, mà xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý”.
"Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đột xuất thuyên chuyển công tác, trong khi vị giám đốc sở này đang tố cáo một số sai phạm là trái với tinh thần phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên tôi cho rằng, nhằm tránh trường hợp vi phạm các qui định về công tác tổ chức cán bộ, Giám đốc sở Lê Thị Công nên chấp hành quyết định điều động và tiếp tục tố cáo tiêu cực như đã dũng cảm tố cáo trong thời gian qua", Luật sư Dũng cho biết.
Như tieudung24g,net đã đưa tin, bà Lê Thị Công (sinh năm 1964) là đại biểu Quốc hội khóa XIII. Trước khi được bổ nhiệm làm giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 7/2015, bà Công là phó chủ tịch UBND huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngày 26/5/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình ký quyết định điều chuyển bà sang làm làm việc tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy để giữ chức phó trưởng ban. Bà Công không đồng ý và đã có đơn xin nghỉ việc.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng khẳng định bà Công không có sai phạm gì trong quá trình điều hành sở mà chỉ “làm việc chậm”, “máy móc” trong quá trình áp dụng luật, để doanh nghiệp kêu...
“Tổ chức họp và xác định người này không thể đảm nhiệm chức giám đốc sở vì giải quyết các vụ việc chậm trễ. Hiện người này có đơn xin nghỉ việc và tỉnh sẽ xem xét theo đúng nguyện vọng”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết.
Theo bà Công: “Trong thời gian 10 tháng làm giám đốc Sở TN-MT, tôi không vụ lợi trong quá trình giải quyết công việc, đưa đơn vị phát triển. Tôi đã sắp xếp lại bộ máy để phù hợp với năng lực, chuyên môn. Tôi tổ chức giao ban địa chính, đối thoại doanh nghiệp vào chiều thứ 6 hàng tuần và thực hiện họp chuyên đề. Đây là những việc mà trước kia các giám đốc tiền nhiệm chưa ai làm”.
Đề nghị thanh tra 4 dự án
Bà Công cho rằng, lãnh đạo tỉnh đánh giá bà chậm trễ trong việc xử lý, giải quyết 4 hồ sơ đất đai nên các nhà đầu tư không thỏa mãn. Dẫn đến, tỉnh đã quyết định điều chuyển bà sang vị trí và lĩnh vực khác là không thỏa đáng!
Bốn dự án này gồm: tách thửa cho dự án khu du lịch phức hợp Hồ Tràm (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc), tính thuê đất cho dự án trung tâm thương mại Thái Dương và siêu thị Lotte (Vũng Tàu), nguồn gốc đất của Hợp tác xã (HTX) Quyết Thắng (huyện Tân Thành). Bà Công đã có đơn đề nghị các cơ quan chức năng thanh tra toàn diện 4 dự án này.
Thứ nhất: Việc tách thửa cho dự án Hồ Tràm, theo bà Công là không được vì luật không quy định. Hồ Tràm Strip là dự án kinh doanh du lịch, toàn bộ dự án có chung một “sổ đỏ”, được quy hoạch rồi, phê duyệt rồi và nhà đầu tư phải đầu tư theo quy hoạch. Nếu tách thửa cho dự án sẽ có nguy cơ quy hoạch bị phá vỡ.
Có gì khuất tất trong việc điều chuyển công tác giám đốc sở ?
(Tieudung24h.vn) - Sau khi có quyết định thôi giữ chức giám đốc sở và chuyển sang vị trí mới, bà Công đã làm đơn xin nghỉ việc và kiến nghị, giải trình một số vấn đề. |
Thứ 2: Với khu đất rộng gần 800.000m2 tại huyện Tân Thành của HTX Quyết Thắng, có nguồn gốc đất do UBND huyện Châu Thành (cũ) giao vào năm 1991.
Thế nhưng không hiểu tại sao, khi trình cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp “sổ đỏ” cho HTX này vào năm 2008 và 2009, Sở TN&MT lại ghi nguồn gốc đất “nhận chuyển nhượng” và “khai hoang”.
Từ đó, HTX được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Sở TN&MT (thừa ủy quyền của UBND tỉnh) cấp nhiều “sổ đỏ”. Bằng những “sổ đỏ” này, HTX Quyết Thắng đã đem thế chấp ngân hàng hoặc chuyển nhượng.
Mới đây, HTX Quyết Thắng còn có văn bản đề nghị Sở TN&MT xác nhận lại nguồn gốc đất được cấp “sổ đỏ” để chuyển nhượng đất nhưng khi phát hiện những lỗi trên, bà Công có văn bản trả lời “không được mua bán, chuyển nhượng”.
Bà Công cho rằng: “Đất nhà nước giao cho HTX nếu không làm, hoặc HTX giải thể thì phải trả lại cho Nhà nước”.
Thứ 3: Đối với dự án siêu thị Lotte Vũng Tàu, nguyên nhân chậm là do nhà đầu tư chưa đồng ý số tiền nộp thuê đất 194 tỉ đồng (khảo sát giá đất năm 2016) mà đề nghị được nộp tiền theo giá đất năm 2014 là 174 tỉ đồng.
Thứ 4: Còn dự án trung tâm thương mại Thái Dương (chủ đầu tư nước ngoài) được UBND tỉnh giao đất từ năm 2009.
Theo thông báo của Cục Thuế, nhà đầu tư phải nộp 314 tỉ tiền thuê đất, nhưng nhà đầu tư cho rằng nguyên nhân chậm trễ là do cơ quan nhà nước nên chỉ đề nghị nộp 62 tỉ đồng.
Để giải quyết vướng mắc việc này, Sở TN&MT có văn bản tham mưu bằng hai phương án: hoặc là nhà đầu tư nộp 314 tỉ tiền thuê đất; hoặc Nhà nước thu hồi đất, trả lại tiền cho nhà đầu tư đã hỗ trợ di dời trước đây (có cộng với lãi suất ngân hàng) và hỗ trợ khác khoảng 2,5 tỉ đồng, sau đó tổ chức đấu giá khu đất này.
Tuy nhiên, nội dung tham mưu nêu trên không được UBND tỉnh chấp nhận, mọi việc vẫn còn tắc.
"Trong 10 tháng đương nhiệm, sở lên kế hoạch thanh tra toàn diện 50 dự án trong tỉnh. Hiện sở đang tiến hành xử lý những dự án không triển khai, chậm triển khai để đấu giá hoặc chuyển nhượng nhà đầu tư có năng lực thực hiện. Có nhiều dự án ven biển chậm triển khai 5-6 năm chưa được thực hiện, trước đây, cho thuê đất rồi “bung” luôn. Khi tôi về xây dựng kế hoạch thanh tra, khi đó mới biết những dự án kéo dài nên lên kế hoạch thu hồi hoặc gia hạn đúng luật", bà Công cho biết.