68 bài tham luận của lãnh đạo, đại diện các trường đại học, viên nghiên cứu để “Tìm kiếm các giải pháp kinh tế hữu hiệu, nhằm tạo bước phát triển đột phá cho TP HCM” đã quy tại Hội thảo khoa học cấp Thành phố năm 2017.
Hội thảo khoa học do trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM phối hợp cùng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM và Đại học Công nghệ TP HCM tổ chức vào 12/5. Đây được xem là diễn đàn lớn cho các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học cùng nhìn nhận, đánh giá về những thành tựu kinh tế đã đạt được của thành phố sau hơn 30 năm đổi mới.
Nhiều tham luận của các nhà lãnh đạo, nghiên cứu đã rút ra những nguyên nhân khiến nền kinh tế phát triển chưa ngang tầm với tiềm năng vốn có của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Đồng thời đóng góp nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm tạo bước phát triển kinh tế đột phá cho thành phố theo hướng hiện đại và hội nhập sâu rộng, vươn tới xây dựng một “siêu đô thị” hiện đại của khu vực trong 10 năm tới.
Toàn cảnh hội thảo |
Trình bày nghiên cứu của mình cùng đồng tác giả là PGS. TS Hạ Thị Thiều Dao, Th.S Đặng Trí Dũng, Trường Đại học Ngân hàng, cho biết, qua phân tích về các điều kiện thì TP HCM xứng đáng đóng vai trò là cực tăng trưởng của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, tính liên kết vùng còn chồng chéo, cạnh tranh, các tỉnh chỉ chú trọng nguồn thu ngân sách tỉnh mà chưa quan tâm đến nguồn thu thu chung của Vùng, thiếu sự phối hợp, thống nhất trong Vùng,… là những nguyên nhân làm cho TP HCM không có cơ sở để phát huy vai trò cực tăng trưởng của mình trong thúc đẩy hợp tác và liên kết vùng.
Theo đó, TP HCM cần có một cơ chế liên kết, phối hợp nhịp nhàng thống nhất giữa các tỉnh trong vùng ngằm đảm bảo cơ chế hoạt động của vùng được vận hành tốt. Cơ chế cần xác định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các thành viên, đặc biệt trong đối ngoại, trong phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, giảm cách biệt giàu nghèo giữa các tỉnh trong vùng và quy tắc ứng xử chung. Thứ 2, cần đầu đầu tư có trọng điểm, tỉnh trọng điểm được xác định chi tiết đến sản phẩm chủ lực, cơ chế chính sách hoạt động đặc biệt. Thứ 3 là cần phải có các chính sách phù hợp: khuyến khích đầu tư khi đầu tư vào công nghệ tiên tiến, cơ sở hạ tầng; trao quyền tự chủ trong thu chi ngân sách, quyết định đầu tư dự án.
Việc định hướng phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ trọng yếu (tài chính – ngân hàng- bảo hiểm; thương mại; du lịch; y tế; giáo dục; vận tải, cảng – kho bãi; bất động sản; bưu chính – viễn thông; tư vấn khoa học) trên địa bàn TPHCM cũng là một trong những vấn đề thiết yếu để thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển mạnh mẽ.
Về vấn đề này, Th.S Nguyễn Trúc Vân, Viện Nghiên cứu phát triển tạiTP HCM cho biết, trong điều kiện các nguồn nhân lực hạn chế, thành phố cần ưu tiên tập trung nguồn lực để phát triển nhanh và hiệu quả một số ngành dịch vụ theo thứ tự ưu tiên: (1) tài chính – ngân hàng – bảo hiểm; (2) vận tải, cảng, kho bãi; (3) bưu chính, viễn thông; (4) du lịch; (5) giáo dục; (6) dịch vụ tư vấn, khoa học công nghệ. Theo Thạc sĩ, đây là những ngành có tiềm năng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của chúng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Th.S Nguyễn Trúc Vân trình bày tham luận về định hướng và giải pháp phát triển 9 ngành dịch vụ trọng yếu |
Bên cạnh đó, Th.S cũng đề xuất các giải pháp để phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ, theo đó cần nâng cao năng suất trong khu vực dịch vụ, phát triển các ngành ưu tiên, tạo sự gắn kết các ngành dịch vụ, công nghiệp – nông nghiệp, thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc 9 ngành dịch vụ trọng yếu; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các ngành, sản phẩm thuộc 9 ngành dịch vụ và cũng cố vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát triển 9 ngành dịch vụ.
Để đưa thành phố phát triển đúng với tiềm năng của nó thì nguồn nhân lực là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng. Cũng trong buổi hội thảo, Th.S Trần Anh Tuấn, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cũng đưa ra định hướng phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025, sự gia tăng cơ hội việc làm mãnh mẽ ở một số ngành như: sản xuất gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực. Trong giai đoạn 2017 -2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình nói chung sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%, lao động có trình độ kỹ năng thấp là 24%, và lao động có kỹ năng cao sẽ tăng 13%.
Theo đó, Th.S đề xuất những giải pháp để phát triển thị trường lao động trong nước nói chung và TP HCM nói riêng. Cần hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động phân tích và dự báo cung – cầu nhân lực. Dự báo những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm trung hạn (5 năm), dài hạn (10-20 năm). Tăng cường quản lý nhà nước về cung cầu lao động, hoàn thiện phát triển hoạt động hướng nghiệp, đưa các chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp và các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở, xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động TP HCM với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để hỗ trợ học nghề, tìm việc làm của thanh niên…