Bộ Công Thương cho biết, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của các vấn đề địa chính trị và các biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế của các nước sau dịch bệnh Covid-19 nên giá xăng dầu thế giới đã liên tục tăng cao.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để điều hành bình ổn giá xăng dầu trong nước. Bên cạnh đó, theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu để hạn chế mức tăng của giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do biên độ biến động giá xăng dầu thế giới quá lớn nên các biện pháp điều hành bình ổn giá xăng dầu trong nước chỉ hạn chế được mức tăng của giá xăng dầu trong nước (từ 11/1/2022 đến nay tăng từ 26,73-67,96%) so với mức tăng của giá xăng dầu thế giới (tăng từ 44,3-91,47%) nhưng vẫn đang ở mức khá cao, ảnh hưởng đến công tác kiểm soát lạm phát và sản xuất, đời sống của người dân.
Giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến một số đối tượng, nhất là người dân có thu nhập thấp, ngư dân đánh bắt thủy, hải sản bị ảnh hưởng, buộc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh và chi tiêu hàng ngày.
“Thay vì chỉ hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá đang dừng hoạt động, Bộ Công Thương đề nghị nên bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân. Việc hỗ trợ này bằng tiền từ ngân sách Nhà nước để bù vào phần giá xăng dầu tăng so với đầu năm 2022, giúp ngư dân khôi phục sản xuất, vươn khơi bám biển. Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách tới hết năm nay", Bộ Công Thương đề xuất.
Với người thu nhập thấp, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cùng Bộ Tài chính nghiên cứu, có chính sách an sinh xã hội hỗ trợ, nhằm giảm bớt khó khăn cho đời sống người dân trong bối cảnh lạm phát tăng cao.