Chiều 30/11, TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục tuyên bản án dài 400 trang với 92 bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ trên mạng. Tại tòa, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho bị cáo Phan Văn Vĩnh - cựu Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) cho biết thân chủ của bà vừa phải nhập viện điều trị.
HĐXX tuyên án đối với 92 bị cáo.
Phan Văn Vĩnh lĩnh án nặng hơn mức đề nghị
Hai cựu tướng Công an là Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50) có hành vi bao che, bảo kê cho tổ chức tội phạm là Công ty CNC và VTC Online hoạt động theo hình thức tổ chức đánh bạc và bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được quy định tại Khoản 3 Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tuy nhiên, HĐXX áp dụng tình tiết có lợi cho bị cáo được quy định tại Điều 7 Bộ luật Hình sự, hành vi phạm tội của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa được áp dụng xử lý theo điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017.
Trong buổi sáng nay, HĐXX cho rằng cần phải xử lý nghiêm khắc, triệt để và không có vùng cấm trong việc xử lý vụ án đối với hai cựu tướng Công an.
Đối với những tổ chức, cá nhân khác ngoài ngành Công an, do chưa có điều kiện xác minh, làm rõ trong giai đoạn 1 của vụ án nên Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ tách ra, tiếp tục điều tra, xử lý ở giai đoạn 2 là phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo đó, HĐXX Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên phạt Phan Văn Vĩnh 9 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị tạm giam 06/4/2018.
Cùng tội danh trên, Nguyễn Thanh Hóa bị tuyên phạt 10 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị bắt tạm giam 11/3/2018.
Về hình phạt bổ sung, Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hoá mỗi bị cáo phải nộp phạt 100 triệu đồng. Mức án 2 người này phải nhận cao hơn mức đề nghị của viện kiểm sát (lần lượt với ông Vĩnh, ông Hóa là 7-7,5 năm tù và 7,5-8 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (trước) và Phan Văn Vĩnh được dẫn giải vào khu vực xét xử.
Đối với nhóm tội danh Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Dương 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 5 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hợp hình phạt tù 10 năm, Nguyễn Văn Dương phải chấp hành năm tù. Thời gian chấp hành án phạt tù được tính từ thời gian Dương bị bắt tạm giam ngày 30/08/2017.
Cũng với hai tội danh trên, bị cáo Phan Sào Nam bị HĐXX tuyên phạt 2 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hợp hình phạt tù, Phan Sào Nam phải chấp hành 5 năm tù. Thời gian chấp hành án phạt tù được tính từ thời gian Nam ra đầu thú ngày 12/9/2017.
Các nhà mạng bị phạt bao nhiêu tiền?
Chiều 30/11, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên án sơ thẩm với 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ trên mạng. Tòa án cũng xác định, trong vụ án có sự liên quan của các nhà mạng, ngân hàng…
Đối với các công ty trung gian thanh toán Home Direct, VNPT EPAY, Ngân Lượng được hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc bằng game bài Rikvip/Rikvip, xét thấy đây là khoản thu lời không có căn cứ pháp lý nên cần truy nộp ngân sách.
Đối với 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone được hưởng tổng số tiền hơn 1.230 tỷ đồng (Viettel là hơn 913 tỷ; Vinaphone là gần 150 tỷ; Mobifone là hơn 171 tỷ), đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh là nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có, nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý.
HĐXX xét thấy, cần phải trừ các chi phí hợp lý trước khi buộc nộp lại tiền bất chính. Do đó, Vietel hưởng lợi hơn 913 tỷ đồng nhưng chỉ phải nộp lại hơn 90 tỷ đồng; Vinaphone hưởng gần 150 tỷ đồng nhưng chỉ cần nộp hơn 13 tỷ đồng; Mobifone hưởng lợi hơn 171 tỷ đồng nhưng chỉ phải nộp lại hơn 15 tỷ đồng.
Các Công ty khác thu lời từ việc làm trung gian thanh toán cho hệ thống đánh bạc cũng phải nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính nhưng được trừ số tiền thuế đã nộp ngân sách.