Tổng cục Thuế mới đây đã công bố quyết định xử lý vi phạm về thuế theo kết quả thanh tra đối với Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã chứng khoán JVC - HOSE) dựa trên thời kỳ thanh tra 4 năm từ năm 2014 đến năm 2017.
Công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật bị phạt và truy thu thuế gần 14 tỷ đồng.
Số tiền phạt lớn nhất mà Thiết bị Y tế Việt Nhật phải nộp là tiền truy thu thuế. Tổng cục Thuế đã truy thu số thuế tăng qua thanh tra hơn 8 tỷ đồng. Trong đó, thuế GTGT truy thu gần 7 tỷ, công ty này cũng bị truy thu 666 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và 380 triệu thuế nhà thầu. Tuy vậy, nhờ việc tăng số thuế phải nộp, Tổng cục Thuế cũng xác định công ty này được giảm lỗ 15,37 tỷ đồng trong kỳ thanh tra.
Do chậm nộp, công ty cũng bị yêu cầu nộp thêm 3,7 tỷ đồng tiền phạt tính đến hết ngày 24/8. Công ty phải tự tính và nộp số tiền phạt chậm nộp tiền thuế kể từ ngày 25/8 đến ngày nộp đủ tiền thuế truy thu vào ngân sách nhà nước.
Do có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, JVC cũng nhận hình thức xử phạt với số tiền phạt gần 2 tỷ đồng, tính theo 20% trên số thuế tăng thêm qua thanh tra.
Như vậy, ước tính tổng số tiền công ty này phải nộp cơ quan thuế là gần 14 tỷ đồng. Công ty phải chấp hành quyết định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định này và sẽ bị cưỡng chế thi hành nếu quá thời hạn 10 ngày. Doanh nghiệp cũng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định này theo quy định của pháp luật.
Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật tiền thân là công ty TNHH Thiết bị Y tế Việt nhật, được thành lập vào ngày 27/09/2001 với ngành nghề kinh doanh chính là mua bán, cho thuê thiết bị y tế, lắp đặt, sửa chữa, bảo trì thiết bị y tế. Trong những ngày đầu thành lập,vốn điều lệ của công ty là 6 tỷ đồng, nhân sự công ty chỉ có 5 người bao gồm lãnh đạo công ty, kế toán, kinh doanh, và kỹ thuật.
Năm 2015, Thiết bị Y tế Việt Nhật từng là một trường hợp gây sóng gió trên thị trường chứng khoán sau biến cố lãnh đạo của doanh nghiệp này bị bắt giữ về tội danh lừa dối khách hàng.
Từ một cổ phiếu thuộc nhóm bluechip với tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại xấp xỉ 49%, doanh nghiệp này liên tục bị bán tháo trước triển vọng kinh doanh không mấy tích cực. Đến nay mỗi cổ phiếu JVC giao dịch trên thị trường chứng khoán chỉ còn 3.110 đồng. Đến cuối quý I/2018, tổng tài sản của công ty này còn hơn 600 tỷ đồng với con số lỗ lũy kế vượt mốc 1.000 tỷ.