Vấn đề này được đặt ra trong buổi thảo luận về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) tại phiên họp thứ 8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng nay (16/3).
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trưởng của Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng thời gian vừa qua công tác quản lý công nghệ nhập khẩu vào nước ta chưa được chặt chẽ, thiếu sự phối hợp đã dẫn đến tình trạng nhiều công nghệ, thiết bị lạc hậu, tác động xấu đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, luật cần quy định về thẩm định công nghệ của dự án đầu tư cũng như gắn với trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng. |
Nhấn mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó, tuy nhiên, ông Phan Xuân Dũng cho biết, một số ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ là chính, không đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật...
“Do đó, rất cần thiết có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người đồng thời, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và yêu cầu của cải cách hành chính” – Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN-MT nhấn mạnh.
Trên quan điểm đó, trong Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh sửa quy định về công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao. Dự thảo giao Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế để ban hành cụ thể các Danh mục này.
Đồng thời, dự luật quy định rõ: “Dự án đầu tư có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ” là những dự án đầu tư phải thẩm định công nghệ.
Theo đó, kết quả thẩm định công nghệ là nội dung bắt buộc trong báo cáo thẩm định dự án đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Dự thảo cũng bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong thẩm định công nghệ của dự án đầu tư và thẩm quyền thẩm định công nghệ dự án đầu tư... Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư cũng được quy định cụ thể.
Góp ý vào dự thảo luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, quy định về công nghệ hạn chế chuyển giao chưa chặt chẽ và có phần nào đó mâu thuẫn với chính sách Nhà nước về chuyển giao công nghệ.
“Ghi là hạn chế thì hạn chế đến mức độ nào? Hạn chế tức là vẫn được nhập và như vậy mâu thuẫn với chính sách, tạo kẽ hở cho chuyển giao công nghệ lạc hậu, gây tác hại môi trường nhập vào nước ta” – ông Chiến băn khoăn và nêu quan điểm chỉ nên quy định cái gì cho phép chuyển giao và cấm chuyển giao chứ còn quy định hạn chế chuyển giao là sẽ có kẽ hở.
Đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Luật Chuyển giao công nghệ ra đời phải làm sao ngăn chặn việc đưa công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm vào nước ta.
“Việc tiếp thu ý kiến đại biểu rất đầy đủ, từ quy định loại dự án nào phải thẩm định công nghệ đến trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm định cũng như việc hậu kiểm. Sau này anh đưa công nghệ gây ô nhiễm vào thì cơ quan, cá nhân phải chịu trách nhiệm” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Liên quan đến nội dung này, trong phần kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát nghiên cứu quy định về hạn chế chuyển giao.
“Thế nào là hạn chế? Như có ý kiến là biết đâu cái người ta thải đi rồi mà về mình vẫn dùng tốt? Do đó cần rà soát về công nghệ hạn chế chuyển giao để tránh hệ luỵ” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.