Thông tin ban đầu, tối ngày 9/1, tại ngôi nhà số 30, ngõ 14 Hồ Đắc Di, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội, đã xảy ra vụ hỏa hoạn thiệu rụi toàn bộ tầng 1 và tầng 2. Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát PCCC đã có mặt ở hiện trường để dập tắt ngọn lửa.
Người dân sống quanh khu vực ngôi nhà bị cháy cho biết, thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn trong ngôi nhà có một người phụ nữ cùng 3 con nhỏ. Khi biết trong ngôi nhà có người, lực lượng cảnh sát PCCC một mặt dập lửa đang bao trùm tầng 1 và tầng 2, đồng thời một nhóm chiến sĩ khác đi qua tường nhà hàng xóm, phá cửa để vào trong cứu người bị nạn.
Hiện trường còn lại sau vụ cháy.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Trưởng phòng CSPCCC số 2 cho biết, rất may khi xảy ra cháy, người mẹ đã nhanh chóng đưa cả 3 con nhỏ lên tầng thượng để lánh nạn.
Khi lực lượng PCCC phá cửa đi lên, dù 4 mẹ con rất hoảng loạn, nhưng may mắn là tất cả đã an toàn.
Tại hiện trường, một nhân chứng cho biết: “Nhìn đám cháy như vậy, ai cũng nghĩ trường hợp xấu nhất xảy ra, nhưng may mắn đã mỉm cười với 4 mẹ con chị ấy”.
Theo thanh niên này, đám cháy bùng phát rất nhanh, chỉ trong chưa đầy 15 phút đã bao trùm toàn bộ ngôi nhà và cột khói bốc cao hàng chục mét, quanh khu vực xảy ra đám cháy được sơ tán vì sợ ngạt khí. Được biết, trong nhà có nhiều đồ dễ cháy (ghế sofa) nên sức nóng làm bong tróc toàn bộ trần nhà và xung quanh tường.
Đến tối muộn cùng ngày, nhiều người hàng xóm và người thân của gia đình chủ nhà vẫn còn tập trung tại ngõ để quan sát lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường. 4 mẹ con may mắn thoát nạn vẫn được đưa đi lánh nạn ở nơi an toàn để trấn an tinh thần.
Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Kỹ năng thoát hiểm khi cháy nhà
1. Báo động cho mọi người biết
Tìm cách để cho tất cả mọi người biết đang có cháy bằng cách hô to, nếu có chuông báo cháy thì lập tức bấm ngay.
2. Cúp cầu dao tổng khu vực bị cháy
Đây là bước khá quan trọng vì khi cháy mà có điện rất dễ gây chập mạch và nổ khiến lửa càng lớn hơn. Mặc khác dây điện bị cháy sẽ làm rò rĩ điện ra bên ngoài, cực kỳ nguy hiểm cho người nếu vô tình chạm phải.
Lưu ý là nên dùng bao tay hoặc vật cách điện để cắt cầu dao, tránh nguy cơ vô tình bị điện giật.
3. Gọi 114 và tìm cách chữa cháy tại chỗ
Tùy theo đánh giá tình hình đám cháy đã đạt mức độ nào mà chúng ta có cách xử lý phù hợp.
Nếu đám cháy đã phát triển rộng, chúng ta hãy gọi ngay lực lượng PCCC bằng cách bấm
điện thoại số 114. Sau đó sẽ tìm các dụng cụ chữa cháy có ở gần đó để dập lửa. Các công cụ có thể sử dụng như: bình chữa cháy CO2, bình bột chữa cháy, nước, đất cát,…Nếu ở công ty và có trang bị hệ thống vòi phun thì sử dụng ngay.
Trường hợp đám cháy mới khởi phát, nếu bạn nghĩ có thể dập tắt ngay với các dụng cụ có sẵn hãy thử làm trước khi gọi 114.
4. Phối hợp với mọi người để cứu chữa người bị nạn. Di chuyển tài sản có giá trị cách ly với đám cháy.
5. Phân công người giữ liên lạc với lực lượng PCCC. Cung cấp thông tin, phối hợp với lực lượng PCCC để triển khai chữa cháy một cách nhanh và chính xác nhất.
Yếu tố quan trọng để con người thoát khỏi đám cháy là bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn để xử lý các tình huống xảy ra. Phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Đôi lúc, cần bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt rồi thoát ra ngoài.
Để chống nhiễm khói, nên lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc sử dụng mặt nạ chống khói. Muốn thoát ra khỏi đám lửa, dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài, tránh để lửa bén vào trang phục.
Cần nhanh chóng di chuyển đến lối thoát nạn an toàn, là lối ra không bị khói, bụi, sản phẩm cháy che phủ, không bị các tác động nguy hiểm của đám cháy uy hiếp tới tính mạng. Lối này có thể là cửa đi, hành lang dẫn tới các khu vực an toàn hoặc lối dẫn tới cầu thang bộ, lối ngang dẫn sang công trình liền kề...