Đồng thời là một trong số ít các quốc gia có xu hướng gia tăng nhanh về mức tiêu thụ bia, rượu bình quân đầu người. Dẫu ngành này đem lại nguồn ngân sách đáng kể, nhưng nó cũng đem lại nhiều cái hại cho nền kinh tế và đời sống xã hội.
Ảnh minh họa. |
Theo Quy hoạch phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, mức tiêu thụ mặt hàng này bình quân đầu người (>15 tuổi) ở Việt Nam vào năm 2025 là 7 lít, cao hơn mức trung bình chung của thế giới hiện nay (6,13 lít). Điều đáng lo ngại nhất, mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người quy rượu nguyên chất ở Việt Nam tăng rất nhanh. Do chính sách khuyến khích và sự lơi là trong quản lý, từ một quốc gia chỉ tiêu thụ 220.000 lít bia/năm, đã lên 4,1 tỷ lít cùng với 68.000 lít rượu Nhà nước sản xuất năm 2016. Ngoài bia, việc quản lý rượu thủ công không có đăng ký, rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh hầu như không thực hiện được, mặc dù sản lượng rất cao, ước tính khoảng 250 - 300 triệu lít/năm và có tới 95,7% người uống rượu sử dụng loại rượu này. Việt Nam thuộc 12 quốc gia trên thế giới cho phép người dân tự nấu rượu. Nhiều cơ sở sản xuất rượu, bia quy mô nhỏ, thủ công chưa thực hiện đầy đủ các quy định về chất lượng vệ sinh ATTP chưa kể lén lút sản xuất rượu giả. Nhiều hộ gia đình sản xuất rượu không có đăng ký, không được cấp phép nhưng vẫn bán trên thị trường. Chính việc kiểm soát hàm lượng methanol, aldehyt trong rượu còn chưa tốt, hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với rượu sản xuất thủ công nên tử vong do ngộ độc rượu còn cao, điển hình như do uống rượu có pha methanol (chất cồn công nghiệp rất độc hại) khiến 8 người chết ở Lai Châu gần đây.
Thừa nhận rằng ở một chừng mực nào đó, bia rượu có ích nếu uống vừa độ, người dùng biết kiềm chế, phương tiện chưng cất rượu, bia tiên tiến hơn, loại bỏ từng bước nguồn cung cấp rượu nhập lậu, ngăn chặn rượu giả, rượu bất hợp pháp nhưng khả năng đó còn cần phấn đấu lâu dài. Thừa nhận rằng bia rượu mang lại một nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước nhưng khoản thu khổng lồ không thể bù lại những gì Nhà nước đã chi từ ngân sách cho y tế, giao thông, xã hội do những tác hại của bia, rượu gây ra.
Hạn chế bia, rượu là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ, nhưng nếu lựa chọn phương án giữ nguyên hiện trạng, không quy định về kiểm soát nguồn cung cấp rượu, bia thì cả Nhà nước, người dân đều chịu ảnh hưởng bởi những hậu quả, tác hại của nó. Cho nên, cần kiên quyết ngăn chặn tiếng xấu là cường quốc về bia, rượu bằng các biện pháp quy hoạch lại ngành, cải cách hành chính, thay đổi tác phong của người Việt. Cần thông suốt từ trong ý thức rằng nếu kiểm soát nguồn cung cấp các loại thức uống có ga, có cồn thì cả Nhà nước, người dân đều hưởng lợi, đạt được các mục tiêu chính sách và giảm tỷ lệ sử dụng, hậu quả do bia, rượu gây ra.
Để thực hiện điều đó, trong điều kiện ngân sách không đủ để đầu tư cho các ngành quản lý và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tác hại của bia, ruợu, nên chăng thành lập quỹ “Hạn chế rượu bia, nâng cao sức khỏe cộng đồng” với nguồn thu từ khoản đóng góp bắt buộc của các đơn vị, cá nhân, hộ gia đình sản xuất bia, rượu; tăng mức phạt đối với việc sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ rượu giả, rượu lậu. Từ đây sẽ có khoảng 700 - 800 tỷ đồng mỗi năm, trong đó chi cho hoạt động truyền thông, giáo dục chiếm khoảng 50%.