Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Thuế TP HCM cho biết, sau hơn một tháng vận động làm nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, số lượng người đến cơ quan thuế làm việc mới chỉ đạt khoảng 1.000 trên tổng số 13.500 người được gửi thư mời.
Đại diện Chi cục thuế quận Bình Thạnh cũng xác nhận, thời gian qua đã mời 172 chủ trang web, Facebook lên hướng dẫn kê khai thuế thì có 98 chủ trang hợp tác. Trong khi đó, 677 tài khoản Facebook đứng tên cá nhân hoạt động kinh doanh được mời thì có đến hơn 500 không chịu lên làm việc.
Ngành thuế cho biết sẽ mạnh tay với các chủ kinh doanh trên facebook không chịu hợp tác. Ảnh: PV. |
Sau khi khảo sát thực trạng kinh doanh trên Facebook thời gian qua, cán bộ thuế nhận định chủ tài khoản thường nghĩ ra đủ chiêu để trốn tránh nghĩa vụ, kê khai nộp thuế. Phổ biến nhất vẫn là việc tăng cường giao dịch bằng tiền mặt, lập nhiều trang bán hàng, đổi địa điểm kinh doanh, không kê khai chính xác doanh thu, không công khai giá bán...
Trước những khó khăn trên, lãnh đạo nhiều chi cục thuế kiến nghị Bộ Tài chính cần hoàn thiện bổ sung các quy định về kê khai tính thuế khấu trừ tại nguồn; ban hành quy định thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh qua mạng.
Ngoài ra, Cục Thuế TP HCM cho biết có thể sẽ công khai những cá nhân, tổ chức có hành vi trốn thuế kinh doanh qua mạng. Nếu những cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng không kê khai nộp thuế sẽ bị Cục Thuế gửi văn bản, đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông đóng tài khoản.
Đối với các chủ tài khoản sử dụng chiêu trò như giao dịch tiền mặt, lập nhiều tài khoản… Cục Thuế cho rằng có thể áp dụng nhiều phương án, chẳng hạn như các chi cục thuế ở quận, huyện cán bộ sẽ nhập vai người mua hàng để tiếp cận và xử lý người bán hàng qua Facebook mà không thực hiện đăng ký kinh doanh, kê khai, đóng thuế.
Song song đó, cơ quan thuế cho biết sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cung cấp bảng sao kê tài khoản của các cá nhân, tổ chức có kinh doanh qua Facebook. Đồng thời yêu cầu đơn vị cung ứng vận chuyển cung cấp số lượng hàng hóa vận chuyển, doanh thu thu hộ (nếu có) của từng tổ chức, cá nhân để cơ quan thuế rà soát đối chiếu, từ đó thu thuế.
Trước những biện pháp trên, nhiều người buôn bán qua mạng tỏ ra hoài nghi vì không biết ngành thuế sẽ chặn Facebook bằng cách nào, liệu có đủ lực để làm việc đó không? Bởi theo những người này, không phải tài khoản Facebook nào cũng bán công khai mà có nhóm kín. Hơn nữa, trên thực tế, Facebook chỉ là phương tiện, không phải là công cụ bán hàng nên khó có thể dựa vào đó để xác định thuế.
Anh Hưng, một chủ Facebook chuyên bán hàng phụ kiện máy tính cho biết, anh đăng hàng lên, chỉ là như một kênh giới thiệu sản phẩm, khách hàng thấy được thì sẽ gọi điện hoặc là đến tận nơi mua, đâu phải mua qua Facebook. "Do vậy, dù cán bộ thuế có đóng giả vai làm khách hàng thì cũng khó có căn cứ nào để xác định doanh thu trên 100 triệu đồng một năm", anh nói.
Nhiều tài khoản Facebook khác thì cho rằng buôn bán online chỉ là nghề tay trái, đôi khi cả tháng mới phát sinh vài đơn hàng nên không muốn kê khai hay nộp thuế. "Nhà tôi có trồng các loại cây ăn quả như sầu riêng, chôm chôm... khi nào tới mùa mới rao trên Facebook bán thì làm sao mà kê khai, nộp thuế", chị Hằng, nhân viên văn phòng tại quận 10, TP HCM chia sẻ.