Theo tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, chiều 19/12, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ phẫu thuật cứu sống sản phụ Đ.T.L (39 tuổi), ngụ huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. 3 bé trai chào đời an toàn với cân nặng lần lượt là 2,3 kg, 1,7 kg và 2,1 kg. Hiện tại cả mẹ và 3 bé đều ổn định.
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, sản phụ L, nhập viện cấp cứu trong tình trạng mắt mờ, huyết áp cao và tiền sản giật nặng. Các bác sĩ chẩn đoán chị L mang thai ba ở tuần 33, huyết áp tăng mạnh, dọa sinh non.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sỹ dùng thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc giảm gò, kích thích trưởng thành phổi và thực hiện các xét nghiệm tầm soát bệnh lý tiền sản giật.
Ba bé trai sinh non đang được nuôi ấp bằng phương pháp Kangaroo. Ảnh Sài Gòn Giải Phóng.
Ngày 9/12, sau khi hội chẩn, các bác sỹ đã quyết định mổ đẻ để cứu sản phụ và các con chị L. Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp với ba bé trai chào đời với sự tham gia trực tiếp của bác sỹ chuyên khoa 2 Quách Hoàng Bảy, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ.
Bác sĩ Bảy cho biết, đây là trường hợp mang thai ba tự nhiên hiếm gặp. Với các trường hợp đa thai tăng nguy cơ sinh non, tăng nguy cơ tiền sản giật, nguy cơ dễ băng huyết sẽ gây nguy hiểm cho mẹ và con nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ khuyên các thai phụ nên khám thai định kỳ, kiểm tra huyết áp thường xuyên, thử nước tiểu, tầm soát tiền sản giật sớm, kích thích trưởng thành phổi lúc thai từ 24-34 tuần tuổi… nhằm đảm bảo cho thai kỳ khỏe mạnh
Tiền sản giật và các dấu hiệu nhận biết
Tiền sản giật (còn gọi là nhiễm độc thai nghén) là một rối loạn nghiêm trọng thường phát triển sau tuần 20 của thai kỳ, được biểu hiện bởi huyết áp cao và mức độ protein trong nước tiểu tăng (tiền sản giật cũng có thể gây co các mạch máu, dẫn tới huyết áp cao).
Các dấu hiệu của tiền sản giật
Dấu hiệu nổi bật nhất của tiền sản giật là huyết áp cao, protein trong nước tiểu, sưng quá mức (phù nề) tay và mặt, tăng cân nhanh chóng.
Các triệu chứng khác cần đi khám ngay lập tức, bao gồm:
- Nhức đầu dữ dội.
- Rối loạn thị giác chẳng hạn mờ mắt, nhìn nhấp nháy.
- Đau ở phía trên, bên phải bụng hoặc đau vai.
- Đau hoặc cảm giác nóng bỏng sau xương ức.
- Buồn nôn hoặc nôn.
- Lẫn lộn hoặc lo lắng.
- Khó thở.
Cách phòng tránh tiền sản giật
Bạn nên chăm sóc tốt sức khỏe trước khi sinh.
“Điều tốt nhất bạn nên làm là chăm sóc tốt trước khi sinh. Khi đó, tiền sản giật có thể được phát hiện sớm hơn nếu nó phát triển” – Virginia R. Lupo (chủ tịch bộ phận sản phụ khoa tại Trung tâm y tế quận Hennepin ở Minneapolis) cho biết.