Trước việc một số cơ quan báo chí phản ánh về việc thịt lợn làm giả thịt bò ở xã Cổ Nhuế , quận Bắc Từ Liêm và một số hộ kinh doanh ở Thọ Lộc, Phúc Thọ, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế đã đề nghị Công an phối hợp, điều tra nhằm cung cấp thông tin để có cơ sở xử lý vi phạm theo quy định và bảo vệ người tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề thịt heo được “hô biến” thành thịt lợn, cách đây không lâu, tại cuộc họp báo về tháng hành động về an toàn thực phẩm, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết cơ quan này đã giám sát chủ động 109 mẫu thực phẩm được giới thiệu bán là thịt bò, phở bò và một số thực phẩm có nguyên liệu từ thịt bò (xúc xích, giò bò).
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, trong số 44 mẫu thịt bò tươi được lấy phân tích, có 35 mẫu là thịt bò, còn lại 1 mẫu là thịt trâu, 8 mẫu là thịt heo. Với 12 mẫu nạm bò, phân tích đã xác định có 10 mẫu thịt là nạm bò thật, 2/12 mẫu là thịt lợn.
Trong số 10 mẫu thịt bò được lấy tại các cửa hàng bán phở bò, có hai cửa hàng bán phở bò thực chất là phở thịt heo. Đáng lưu ý, 23 mẫu xúc xích bò được lấy phân tích, có 8 mẫu không phát hiện hàm lượng thịt bò, 15 mẫu hàm lượng thịt bò rất thấp.
Ngoài ra, 20 mẫu giò bò được phân tích có 9/20 mẫu không thấy thịt bò; 8/20 mẫu hàm lượng bò rất thấp (ở mức 13%); 2/20 mẫu xác định thịt bò chiếm khoảng 30 - 33%; chỉ một mẫu có lượng bò cao nhất nhưng cũng chỉ chiếm 60%.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Cục đã yêu cầu Sở Y tế vào cuộc điều tra và công khai thông tin cho báo chí. Nếu vi phạm sẽ xử lý vi phạm nghiêm đối hộ kinh doanh thịt gia súc có hành vi gian lận trên địa bàn.
Về phía chuyên gia, trước thông tin thịt bò giả làm từ thịt lợn, ông Nguyễn Duy Thịnh, giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định hô biến thịt lợn thành thịt bò là hành vi gian lận thương mại. Hơn nữa, nếu sử dụng hóa chất để tẩm ướp, biến thịt lợn thành thịt bò cũng là một hành động coi thường sức khỏe của người tiêu dùng.
Ông Thịnh cho rằng, “công nghệ” luyện thịt hết sức tinh vi, nhìn bằng mắt thường, chúng ta rất khó nhận ra đó là miếng thịt bò giả. Vậy nên để tránh mua phải thịt bò giả, ông Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, chỉ cần dùng tay ấn vào miếng thịt, nếu đúng là thịt bò sẽ nhận thấy rõ sự đàn hồi của miếng thịt.
“Với những loại thịt được thương lái hô biến bằng nhiều cách khác nhau, nhất là được tẩm ướp hóa chất, ta sẽ nhận thấy rất rõ nó không có sự đàn hồi trên miếng thịt”, chuyên gia về công nghệ thực phẩm khẳng định.
Bên cạnh đó, theo vị này, thịt bò thật có màu hồng đậm hoặc đỏ au; trong khi đó thịt bò giả dù được tưới huyết bò vẫn nhạt màu hơn, không đều, không tự nhiên. Ngoài ra, những loại thịt giả thường có mùi tanh chứ không có mùi hôi nồng đặc trưng của thịt bò.