Theo thông tin mới nhất sáng ngày 6/12, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức khai trương tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về trẻ em, cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em mà không bảo lưu bất cứ một điều khoản nào. Kể từ đó tới nay, hệ thống pháp luật quy định việc thực thi quyền trẻ em ở Việt Nam liên tục được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện.
“Đã đến lúc chúng ta không chỉ dừng lại ở kêu gọi sự sẻ chia mà cần yêu cầu mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi bậc cha mẹ, anh chị phụ trách phải xắn tay hành động ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm”, ông Dung nói và cho biết vì lý do đó, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với ba số hàng đầu 111 ra đời.
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: “Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với ba số 111 là số hàng đầu, ngắn và dễ nhớ nhằm mục tiêu thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em"
Ngoài ra tổng đài 111 cung cấp thông tin, tư vấn về pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, trong chăm sóc trẻ em...
Theo ông Đào Ngọc Dung, nhiệm vụ của tổng đài là tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại. Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ ngay lập tức được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước đảm bảo nguồn lực hoạt động. Tổng đài với 3 số ngắn 111 không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em.