Chủ nhật , 24/11/2024, 11:12 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: xu hướng ngoại giao nào sẽ "lên ngôi"?

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: xu hướng ngoại giao nào sẽ "lên ngôi"?
(Tieudung.vn) - Trong bối cảnh hai ứng viên tổng thống đều thể hiện những tầm nhìn khác biệt về vai trò của Mỹ trên trường quốc tế, quyết định của cử tri Mỹ năm nay không chỉ ảnh hưởng đến đất nước họ mà còn tác động sâu rộng đến thế giới.

Ngày hôm nay (5/11), hàng triệu người dân Mỹ chính thức đi bỏ phiếu để bầu ra vị tổng thống tiếp theo, trong một cuộc đua cực kỳ sít sao và khó đoán định giữa hai ứng viên kỳ cựu trên chính trường nước này - cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa và Phó tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ. 

Tân tổng thống Mỹ, dù là ai, cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức nóng trên toàn cầu, như căng thẳng tại Trung Đông, xung đột Nga-Ukraine hay biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh này, cả hai ứng viên đều thể hiện những tầm nhìn hoàn toàn khác biệt về vai trò của nước Mỹ. 

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: xu hướng ngoại giao nào sẽ "lên ngôi"?

Cả hai ứng viên tổng thống đều thể hiện những tầm nhìn hoàn toàn khác biệt về vai trò của nước Mỹ. Ảnh minh họa: X

Báo Washington Post đã chỉ ra những khác biệt trong lập trường của mỗi ứng viên tổng thống đối với một số đề toàn cầu cấp bách nhất.

Vấn đề Trung Đông

Cả hai ứng viên tổng thống đều kêu gọi việc sớm có một lệnh ngừng bắn rộng rãi ở Dải Gaza (Palestine), song cựu Tổng thống Trump chưa xem điều này là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, ông vẫn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel, đồng thời để ngỏ khả năng nước này có thể tiến hành không giới hạn bất kỳ biện pháp nào để đối phó với các mối đe dọa từ Iran hay các nhóm vũ trang như Hamas (Palestine) và Hezbollah (Lebanon).

Ngược lại, Phó tổng thống Harris có thể sẽ xem xét lại các chính sách viện trợ cho Israel nếu đắc cử. Tuy nhiên, Brian Katulis - thành viên cấp cao về chính sách đối ngoại của Mỹ tại Viện Trung Đông, nhận định Israel có khả năng vẫn tiếp tục các động thái mà họ thấy "phù hợp" kể cả khi phó tổng thống của đảng Dân chủ giành chiến thắng.

Quan hệ với NATO

Đối với tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sự khác biệt còn rõ rệt hơn. Phó tổng thống Harris cam kết duy trì và củng cố liên minh quân sự này, xem đó là nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, bất chấp một số hoài nghi từ giới chức NATO về những cam kết trên.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: xu hướng ngoại giao nào sẽ "lên ngôi"?

Cựu Tổng thống Trump giữ nguyên lập trường rút khỏi NATO nếu các nước thành viên không tăng ngân sách quốc phòng. Ảnh: NATO

Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump giữ nguyên lập trường rút khỏi NATO nếu các nước thành viên không tăng ngân sách quốc phòng, thậm chí còn gợi ý về việc cho phép Nga tấn công các nước không đóng góp đủ. Dù phần lớn nhà lập pháp châu Âu không tin khả năng Mỹ rút khỏi NATO có thể xảy ra, một số vẫn cho rằng tổ chức này khó có thể duy trì hiện trạng nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống.

Biến đổi khí hậu 

Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề thể hiện rõ nhất sự đối lập trong quan điểm của hai ứng viên. Phó tổng thống Harris xem đây là mối đe dọa cấp bách, và cam kết thực hiện các mục tiêu tham vọng trong việc giảm phát thải và ủng hộ chuyển đổi sang năng lượng xanh. Bà ủng hộ cam kết cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải làm nóng lên toàn cầu của Mỹ đến năm 2030, đồng thời trực tiếp bỏ phiếu thông qua Đạo luật Giảm phát thải mang tính bước ngoặt năm 2022. 

Cựu tổng thống Trump, ngược lại, nhiều lần phủ nhận các bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu, đồng thời hứa hẹn đảo ngược hàng chục quy định và chính sách về môi trường của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Ông cũng cam kết sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, với lý do hiệp định "gây bất công và tạo gánh nặng" đối với nước Mỹ.

Quan hệ với Trung Quốc

Cựu tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ mở rộng các cuộc tấn công kinh tế vào Trung Quốc và đang cân nhắc những biện pháp được xem là có khả năng gây ra một cuộc thương chiến toàn cầu. Ông đã công khai đưa ra ý tưởng áp dụng mức thuế từ 10 đến 20% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu, ngoài ra còn thảo luận riêng về việc tăng thuế tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: xu hướng ngoại giao nào sẽ "lên ngôi"?

Hai ứng viên tổng thống Mỹ đều có các biện pháp ứng phó với Trung Quốc, dù mức độ khác nhau. Hình minh họa: X

Ở chiều ngược lại, Phó tổng thống Harris nhiều khả năng sẽ tiếp tục đường lối của chính quyền Biden, trong đó tập trung vào cạnh tranh chiến lược và bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ thông qua các biện pháp có tính toán kỹ lưỡng hơn.

Dù nhấn mạnh việc tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, bà Harris vẫn sẽ triển khai những phương án chống lại "các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh". Chúng bao gồm việc áp thuế hàng nhập khẩu, đầu tư vào sản xuất trong nước và chuỗi cung ứng thay thế, nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng hóa Trung Quốc.

Viện trợ cho Ukraine

Bà Harris thể hiện lập trường ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Với tư cách phó tổng thống, bà đã có nhiều cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ năm 2022 đến nay, và cam kết "kiên định" trong việc hỗ trợ nước này. Giới chức Kiev cũng tin rằng bà Harris sẽ duy trì chính sách hiện tại nếu đắc cử, dù họ cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đã quá thận trọng trong việc tránh leo thang với Nga.

Ngược lại, ông Trump và đồng minh đều bày tỏ hoài nghi sâu sắc về việc tiếp tục viện trợ tài chính cho Ukraine. Cựu tổng thống Mỹ còn tự tin tuyên bố có thể giải quyết xung đột ngay trước khi nhậm chức, dù không đưa ra kế hoạch cụ thể. Điều này khiến chính quyền Zelensky lo ngại ông Trump có thể gây áp lực buộc Ukraine nhượng bộ về lãnh thổ - một động thái có thể gây chia rẽ trong nội bộ châu Âu.

Đáng chú ý, cựu Tổng thống Trump được truyền thông Nga ủng hộ mạnh mẽ, trong khi ông cũng không giấu giếm mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, Điện Kremlin vẫn tỏ thái độ khá lạnh nhạt đối với việc ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng vào năm tới.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 không chỉ là sự lựa chọn giữa hai ứng viên, mà còn là quyết định về hướng đi trong chính sách đối ngoại của Mỹ ít nhất 4 năm tới. bầu cử sẽ định hình cách nước này ứng phó với các thách thức toàn cầu, tương tác với các đồng minh cũng như đối thủ trên trường quốc tế.

Dù kết quả như thế nào, tân tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với một thế giới đầy biến động, từ các xung đột khu vực đến những thách thức mang tính toàn cầu. Cách họ điều hướng những thách thức này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến tương lai không chỉ của Mỹ mà còn của cả thế giới.

Tags:
3.5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá

Pháp luật

Bắt Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh
(Tieudung.vn) Ông Huỳnh Nguyễn Lộc Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh bị...
 
Sửa Luật Quảng cáo: rà soát, đối chiếu với các luật để hạn chế chồng chéo
(Tieudung.vn) Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Cơ quan chủ trì soạn...
 
TP Hồ Chí Minh: Bắt ca sĩ Quốc Kháng và Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy
(Tieudung.vn) Do có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên ca sĩ Quốc Kháng và Lê Nguyễn...

Muôn màu

Tử vi ngày 24/11/2024 của 12 cung hoàng đạo: Xử Nữ nên cân đối thu chi
(Tieudung.vn) Tử vi hàng ngày Chủ nhật ngày 24/11/2024 của 12 cung hoàng đạo, Xử Nữ hãy chú...
 
Tử vi ngày 23/11/2024 của 12 cung hoàng đạo: Sư Tử cần có kế hoạch rõ ràng
(Tieudung.vn) Tử vi hàng ngày Thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 cung hoàng đạo, Sư Tử cần có...
 
Cách tập thể dục an toàn ngoài trời
(Tieudung.vn) Thay vì tập luyện trong phòng gym, nhiều người đang chuyển hướng sang các bài tập thể dục...

Du lịch - Ẩm thực

Phở bò Việt Nam lọt top 20 món súp ngon nhất thế giới
(Tieudung.vn) Món phở bò của Việt Nam tiếp tục ghi danh trong danh sách 20 món súp ngon nhất...
 
3 điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống
(Tieudung.vn) An toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn...
 
Du lịch tăng tốc đón khách quốc tế cuối năm
(Tieudung.vn) Chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.47980 sec| 880.414 kb