Tuy nhiên một số ý kiến lại cho rằng, việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài chỉ mang lại lợi ích cho vài doanh nghiệp đang nắm thị phần lớn hiện nay, không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng vì giá thép tăng cao?!
Các doanh nghiệp hưởng lợi đề xuất
Ảnh minh họa |
Quyết định áp thuế tự vệ chính thức sẽ có hiệu lực từ 2/8/2016. Bộ Công thương cho biết, mức thuế tự vệ tạm thời 23,3% cho sản phẩm phôi thép và 14,2% cho thép dài giúp bảo vệ tạm thời các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thép dài trong nước.
Đồng thời, cũng theo Bộ Công thương, trên thị trường thép hiện nay không có doanh nghiệp nào chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (từ 30% thị phần trở lên). Đối với sản phẩm phôi thép, trên thị trường có 14 doanh nghiệp lớn với lượng sản xuất chiếm gần 73% thị phần (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 25% thị phần) và hàng trăm doanh nghiệp nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 27% thị phần.
Đối với sản phẩm thép dài, trên thị trường có 21 doanh nghiệp lớn với thị phần chiếm gần 93% (trong đó lớn nhất là Công ty cổ phần thép Hoà Phát chiếm gần 20% thị phần) và hàng chục doanh nghiệp nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 7% thị phần.
Đây là kết quả của đợt điều tra xuất phát từ đề nghị của 4 doanh nghiệp gồm CTCP Thép Hoà Phát (HPG), Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, CTCP Gang thép Thái Nguyên và CTCP Thép Việt Ý.
Nguyên nhân khiến 4 doanh nghiệp này đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ là bởi lo lắng có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu của phôi thép và thép dài. Cụ thể, lượng phôi thép nhập khẩu đã tăng từ 466.817 tấn năm 2012 lên 1,502 triệu tấn vào năm 2015. Với thép dài, từ 387.470 tấn năm 2012 đã tăng lên 1,215 triệu tấn năm 2015.
Nhiều doanh nghiệp lên tiếng phản đối
Tuy nhiên, sau khoảng 2 tuần kể từ khi Bộ Công thương ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, một loạt doanh nghiệp sản xuất trong ngành thép gồm CTCP thép Pomina (POM), Công ty liên doanh sản xuất thép Vinausteel, Công ty TNHH Nasteel-Vina, Công ty sản xuất Thép Úc SSE, Công ty TNHH Thép Vinakyoei, CTCP thép Việt Đức, CTCP BCH đã cùng đề nghị không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép.
Người tiêu dùng không được hưởng lợi từ việc bảo hộ thép... |
Lý giải cho đề nghị này, các doanh nghiệp phản đối cho hay, lượng phôi thép nhập khẩu trong giai đoạn 2008 - 2010 còn lớn hơn rất nhiều so với con số 1,25 triệu tấn của năm 2015. Mặt khác, ngành thép cũng phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất từ thép xây dựng đến ống thép và phôi thép. Đáng lưu ý, điều khiến các doanh nghiệp ở phía phản đối băn khoăn là ai sẽ là người được hưởng lợi nếu áp dụng biện pháp tự vệ?
“Thuế suất nhập khẩu phôi thép là 9% vào cuối năm 2015, nếu được tăng lên 45% sẽ khiến phôi thép trong nước tăng giá theo. Điều này khiến phần lớn các doanh nghiêp sản xuất thép sẽ phải phụ thuộc vào phôi thép của một vài công ty cung cấp ra thị trường”, đại diện các doanh nghiệp này nhận xét.
Phía các doanh nghiệp phản đối cho biết thêm “Tập đoàn Hoà Phát, một trong 4 doanh nghiệp đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, hiện đang chiếm 22% thị phần của toàn ngành không hề gặp khó khăn, thua lỗ trong sản xuất thép. Ngược lại, lãi rất cao và tăng trưởng đều hàng năm. Như vậy, nếu áp dụng biện pháp tự vệ sẽ chỉ làm lợi cho một vài doanh nghiệp lớn, đại gia thép, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các công ty thép”.
Còn theo nhận định của Công ty chứng khoán HSC, CTCP thép Pomina có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi từ quyết định này trong khi Hoà Phát và Thép Việt Ý là những doanh nghiệp hưởng lợi chính.
Cần hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn tôn màu giá rẻ từ Trung Quốc
(Tieudung24h.vn) - Kém chất lượng, giá bán rẻ hơn trên 30%, tôn phủ màu từ Trung Quốc ồ ạt được nhập khẩu về Việt Nam đang đẩy nhiều doanh nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ phá sản. |