Đặt đồng hồ báo thức lúc 5 giờ sáng, những “người đất liền” chúng tôi đã lần đầu tiên được ngắm trọn ánh bình minh trên hòn đảo tiền tiêu giữa Vịnh Bắc Bộ, cảm nhận vẻ đẹp ngất ngây, mãn nhãn của đất trời bao la lúc mới rạng và hoà mình vào nhịp sống sôi động của người dân nơi đây.
Đảo Bạch Long Vĩ có diện tích khoảng 2,5 km2 khi thủy triều lên và 4 km2 khi thủy triều xuống… Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Bạch Long Vĩ là màu xanh ngút ngàn của cỏ cây phủ kín hòn đảo nhỏ. Đảo Bạch Long Vĩ có diện tích khoảng 2,5 km2 khi thủy triều lên và 4 km2 khi thủy triều xuống…
Đi tới đâu cũng thấy dấu ấn của thanh niên xung phong (TNXP) ghi trên tất cả các công trình xây dựng, từ đường sá, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, quảng trường, công viên…
Chia sẻ với chúng tôi, Bí thư Huyện uỷ Bạch Long Vĩ Bùi Trung Tiến cho biết, ngày 9/12/1992 Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành Nghị định số 15/CP chính thức thành lập huyện Bạch Long Vĩ, trực thuộc TP Hải Phòng. Đến đầu năm 1993, lớp TNXP đầu tiên đã ra đảo với quyết tâm bám trụ, xây dựng, phủ xanh hòn đảo tiền tiêu.
Bình minh trên đảo Bạch Long Vĩ.
Từ 62 đội viên Đội TNXP Bạch Long Vĩ ra đảo ngày ấy, lớp lớp các thế hệ TNXP sau này đã tình nguyện tham gia xây dựng, bám biển giữ đảo và bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Những ngày đầu trên đảo chỉ có nhà tạm xây bằng đá chưa trát, lối đi chỉ là lối mòn, mưa xuống là lầy lội. Cả đảo chỉ có một vài giếng khơi, thiếu nước ngọt nên cỏ cây cũng vàng vọt, cuộc sống vô cùng khắc nghiệt, thiếu thốn. Hiếm lắm mới có chuyến tàu từ đất liền vào đảo. Giờ thì cứ 10 ngày lại có một chuyến, đường sá sạch sẽ, khang trang. Khách du lịch ra đảo quanh năm kéo theo một số dịch vụ ăn uống, lưu trú phát triển.
Chị Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1989) theo bố mẹ ra đảo Bạch Long Vĩ lập nghiệp từ hơn 30 năm trước, lớn lên cùng với ngọn sóng, ngọn gió nơi đây nên chị Hà nhớ như in: Ngày mới lên đảo, cả gia đình sinh sống trong ngôi nhà lợp mái tôn, mùa nắng nóng, thiếu nước ngọt nên bố mẹ phải gạn từng gàu nước giếng khoan để gội đầu cho con. Đất trên đảo cằn cỗi, chỉ có cát, sỏi và xương rồng, tối đến nhà nào cũng đèn dầu tù mù. Giờ thì khắp đảo là cây cối xanh tươi, nước ngọt chảy về từng nhà. Điện thắp sáng trên đảo cả ngày lẫn đêm nên bà con rất yên tâm gắn bó với đảo.
Chị Hà hiện đang là nhân viên Cảng vụ Bạch Long Vĩ, có chồng công tác Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ. “Lớn lên trên đảo, lại lập nghiệp, lập gia đình ở đây nên tính ra tôi cũng là “cư dân có thâm niên” của Bạch Long Vĩ. Mỗi lần đi công tác vào đất liền là nhớ đảo da diết. Bố mẹ tôi cũng yêu đảo lắm, không muốn về đất liền” – chị Hà phấn khởi khoe với chúng tôi là gia đình mở thêm một hiệu thuốc nhỏ ở trung tâm Huyện, cuộc sống ổn định, khấm khá hơn trước rất nhiều.
Những ngày ở trên đảo, gặp gỡ những cư dân của đảo, chúng tôi cảm nhận được niềm vui lớn nhất đối với họ chính là việc Huyện và TP Hải Phòng đã rút ngắn được quãng thời gian từ đất liền ra đảo. Trước đây, việc đi tàu ra đảo rất hạn chế, mỗi năm chỉ có 1-2 chuyến. Nhưng nay, ngoài tàu Bạch Long do Tổng đội TNXP Hải Phòng quản lý thì Huyện đã chủ động đóng mới và đưa vào hoạt động tàu Hoa Phượng Đỏ. Ngoài ra, còn có các tàu cá của ngư dân đi lại thường xuyên từ đất liền ra đảo.
Chị Lê Thị Hoa (40 tuổi), cư dân trên đảo cho biết: “Trong điều kiện thời tiết tốt, cứ 2-3 ngày tôi lại gửi hoặc nhận đơn hàng từ đất liền. Bây giờ việc trao đổi hàng hoá của người dân trên đảo với đất liền rất thuận tiện, không vất vả như 20-30 năm trước”. Trên đảo cũng có nhiều điểm vui chơi, thăm quan. Ngoài bãi tắm, bãi đá dọc bờ biển, các địa chỉ du lịch tâm linh, còn có ngọn hải đăng nằm ở đỉnh cao nhất của đảo tiền tiêu mà ai đã ra Bạch Long Vĩ cũng đều ghé thăm.
|
Theo anh Đồng Văn Cường - Trạm trưởng Trạm đèn Bạch Long Vĩ, ngọn hải đăng Bạch Long Vĩ được xây dựng từ năm 1995, cao 21m, chia làm 9 tầng tháp. Ngọn đèn nằm ở vị trí cao nhất của đảo, cao tổng cộng hơn 100m so với mực nước biển. Ánh sáng đèn tín hiệu có thể quét xa với bán kính 26 hải lý (khoảng 50 km) soi đường, chỉ lối cho ngư dân.
“Đây cũng là cột mốc chủ quyền an ninh quốc gia trên biển, là ngọn đèn duy nhất đảm bảo phát sáng, phát cả âm thanh cho tàu thuyền qua lại trong Vịnh Bắc Bộ. Ngọn hải đăng nằm ở vị trí cao nhất của đảo Bạch Long Vĩ. Dù điều kiện công tác còn khó khăn, vài tháng mới được nghỉ phép một lần nhưng chúng tôi luôn làm việc bằng cả trái tim, tinh thần trách nhiệm để ngọn đèn Bạch Long Vĩ luôn phát sáng như “viên ngọc” giữa trùng khơi” – anh Cường tự hào.
Được biết, những năm gần đây, UBND huyện đã phối hợp với Tổng đội TNXP Hải Phòng tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh huyện đảo Bạch Long Vĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với Sở Du lịch TP Hải Phòng và các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá tiềm năng; chủ động mời gọi các Công ty Lữ hành đến khảo sát, xây dựng tour du lịch biển đảo Bạch Long Vĩ.
Theo Bí thư Huyện uỷ Bạch Long Vĩ Bùi Trung Tiến, tính riêng 3 năm qua, Huyện đã thu hút gần 3.000 khách du lịch. Đây là con số ấn tượng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của hòn đảo đặc biệt này. Thực tế cho thấy các cơ sở lưu trú trên đảo còn thiếu và yếu, các sản vật nổi tiếng trên đảo như bào ngư, hải sâm vẫn chưa được giới thiệu, quảng bá để nâng giá trị thương hiệu. Tour du lịch ra đảo cũng chưa được tổ chức bài bản nên khó thu hút khách ra đảo, càng khó giữ chân khách lưu trú dài ngày.