Nằm xa đất liền, hòn đảo nhỏ Bạch Long Vĩ từng có tên gọi là đảo “vô thủy” vì khan hiếm nước ngọt, đất đai cằn cỗi... Nhưng ngay từ phút đầu tiên đặt chân lên đảo, màu xanh tươi mới của rừng cây dọc con đường dẫn từ âu cảng về đến trung tâm huyện đã cho chúng tôi một cảm nhận hoàn toàn khác về Bạch Long Vĩ: Hòn đảo “vô thủy” ngày nào, nay đã “hữu thủy” và tràn đầy sức sống.
Nhiều năm về trước, tình trạng thiếu nước ngọt ở đảo Bạch Long Vĩ diễn ra rất nghiêm trọng, nhất là vào mùa khô. Những cư dân trên đảo ngày đó chỉ biết trông chờ vào nước mưa và nước giếng khoan. Song nguồn nước giếng khoan lại bị nhiễm mặn chỉ có thể dùng cho sinh hoạt, người dân phải chắt chiu từng gáo nước mưa để ăn uống, nấu nướng... Kể từ ngày đảo có hồ chứa nước ngọt, vòi nước sạch chảy về đến tận nhà, người dân trên đảo vô cùng phấn khởi.
Theo Bí thư Huyện uỷ Bạch Long Vĩ Bùi Trung Tiến, Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt có dung tích 45.000 m3 và hệ thống thủy lợi được hoàn thành từ năm 2020. Đến tháng 4/2022, Công ty Cấp nước TP Hải Phòng xây dựng Nhà máy lọc nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện, hai công trình này đã góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt của quân và dân huyện đảo.
Không chỉ yên tâm về nguồn nước, hệ thống điện, đường, trường, trạm nơi đây cũng không ngừng được cải thiện, nâng cấp. Hệ thống điện năng lượng gió, điện năng lượng mặt trời, kết hợp với điện máy phát Diesel, với tổng công suất trên 5MW đi vào hoạt động (từ tháng 8/2022), dự kiến sản xuất, cung cấp đủ điện cho huyện đảo phát triển trong vòng 10 - 15 năm tới.
Có mặt ở bãi pin năng lượng mặt trời của đảo từ sáng sớm, anh Vũ Văn Xiêm (45 tuổi, Công nhân vận hành Ban Kinh doanh bán điện huyện Bạch Long Vĩ, EVN PC Hải Phòng), người đã có 20 năm công tác ở đảo cho biết, việc làm sạch bề mặt các tấm pin năng lượng mặt trời được anh và các thành viên của Ban duy trì đều đặn 1-2 lần/tháng. “Không khí trên đảo có nhiều muối mặn dễ ăn mòn các mối nối. Nếu không định kỳ kiểm tra, tỉ mỉ dò các vị trí có thể bỏ sót mối nối bị hư hỏng, ảnh hưởng tới hoạt động của các tấm pin” – anh Xiêm giải thích.
Chạy xe về hướng trung tâm huyện đảo, chúng tôi ghé qua Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ. Mấy năm gần đây, Trung tâm được đầu tư, bổ sung một số trang thiết bị hiện đại, trình độ chuyên môn đội ngũ y bác sỹ cũng được TP Hải Phòng quan tâm. Hiện Trung tâm duy trì cơ chế bác sỹ tăng cường từ 3 bệnh viện lớn của TP Hải Phòng, đã phát huy hiệu quả mô hình “ngân hàng máu sống” và Hệ thống hỗ trợ Y tế từ xa Telemedecine, TeleHealth, qua đó giúp đội ngũ y bác sỹ của Trung tâm xử lý phẫu thuật, cấp cứu thành công nhiều ca bệnh khó, mất máu cấp ngay tại huyện đảo…
Bạch Long Vĩ là 1 trong 8 ngư trường lớn của cả nước, còn được biết đến với cái tên “thủ phủ bào ngư”. Đáng kể nhất có bào ngư 9 lỗ (cửu khổng), là đặc sản có giá trị kinh tế cao, một vị thuốc quý, nguồn thực phẩm bổ dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Qua nhiều năm khai thác, nguồn lợi bào ngư 9 lỗ ven đảo Bạch Long Vĩ đã giảm sút đáng kể.
Trước nguy cơ cạn kiệt này, Huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm lai tạo, phát triển, bảo tồn giống bào ngư, phục vụ phát triển sản xuất, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Còn nhớ hơn 10 năm trước, Tổng đội TNXP Hải Phòng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu hải sản triển khai thực hiện dự án tại đảo Bạch Long Vĩ. Ròng rã từ tháng 6/2012 đến 4/2015, Dự án Hoàn thiện quy trình công nghệ và xây dựng mô hình trình diễn, sản xuất cung cấp giống bào ngư tại Bạch Long Vĩ với tổng kinh phí hơn 6,2 tỷ đồng đã cơ bản đã sản xuất thành công giống bào ngư.
Đến đầu năm 2017, Viện Nghiên cứu Hải sản đã bàn giao lại cho Tổng đội toàn bộ giống bào ngư có kích thước từ 2mm - 3cm để tiếp tục nuôi dưỡng chăm sóc. Tuy nhiên, theo báo cáo của lãnh đạo Huyện Bạch Long Vĩ, do điều kiện chăm sóc không đảm bảo nên số lượng bào ngư đã bị hao hụt lớn. “Hiện cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, hệ thống bể, mái che hầu như hỏng hoàn toàn, cần được sửa chữa, nâng cấp” – lãnh đạo Huyện uỷ phân trần.
Ngoài bào ngư, nơi đây có nguồn tài nguyên sinh vật biển phong phú với 395 loài, 229 giống thuộc 105 họ hải sản, trong đó có 61 loài có giá trị kinh tế cao. Vì tiềm năng còn rất lớn và chưa được khai thác bền vững nên để thực hiện mục tiêu trở thành Trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc, Bạch Long Vĩ còn rất nhiều việc cần phải làm và phải quan tâm hơn nữa.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Bí thư Huyện uỷ Bạch Long Vĩ Bùi Trung Tiến khẳng định: Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã và đang nỗ lực, cố gắng thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm giải quyết khó khăn căn bản của huyện đảo, từng bước xây dựng hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, cung ứng điện, nước ngọt…
Tin vui là mới đây TP Hải Phòng đã phê duyệt đề xuất Dự án Thử nghiệm sản xuất giống và thả tái tạo nguồn lợi bào ngư (Haliotis diversicolor Reeve, 1864) nhằm bảo tồn và phát triển nguồn lợi tại khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ. Ban quản lý khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ bảo vệ thành công Thuyết minh Dự án tại Hội đồng Tư vấn, phê duyệt Thuyết minh do Sở KH&CN TP Hải Phòng tổ chức. Hy vọng tới đây việc sản xuất giống bào ngư tại Bạch Long Vĩ được khôi phục, sớm trở thành hoạt động kinh tế mũi nhọn của huyện đảo này trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, để ngư dân trên đảo an tâm bám biển, đảm bảo việc làm và ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và củng cố vững chắc hệ thống an ninh quốc phòng của huyện đảo, từ năm 2016 Hải Phòng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách giúp người dân mua sắm ngư cụ, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng dịch vụ hỗ trợ tàu đánh bắt hải sản… Chính nhờ nguồn vốn ưu đãi này mà hộ gia đình ông Trần Trí Tráng và bà Vũ Thị Chanh ở Khu 1, huyện Bạch Long Vỹ đã mua sắm được ngư cụ, yên tâm ở lại đảo gần chục năm qua.
Ông Tráng kể, không chỉ gia đình ông được vay vốn ưu đãi, rất nhiều cư dân trên đảo cũng tiếp cận được nguồn vốn này để sản xuất kinh doanh. Ví như gia đình ông Vũ Tiến Xê ở Khu 2 đã vay vốn đầu tư lắp đặt cả hệ thống lọc nước cung cấp cho người dân trên đảo. “Nhà nào được vay vốn cũng làm ăn khấm khá. Điều kiện vay vốn lại đơn giản nên chúng tôi cứ mách nhau, giờ bảo về đất liền thì không ai muốn về” – ông Tráng cười hồn hậu, tay vẫn không không rời tấm lưới đầy ắp mẻ cá vừa đánh bắt về sớm nay. (Còn nữa)