Nếu có dịp trở lại Bạch Long Vĩ, nơi đầu tiên – những người đầu tiên chúng tôi mong được tái ngộ là các cán bộ, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp… tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Bạch Long Vĩ. Có người chỉ 18 đôi mươi lần đầu ra đảo, có người cắm chốt nơi đây suốt hơn 20 năm tuổi trẻ… gắn bó với cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa Vịnh Bắc Bộ nên đã từ lâu họ xem “Đảo là nhà - Biển là quê hương”.
Bạch Long Vĩ là hòn đảo nằm xa bờ nhất của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ, cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc 15 hải lý, cách Hòn Dáu (Hải Phòng) khoảng 110 km. Mặc dù có diện tích nhỏ, nhưng đảo có vị trí chiến lược, tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.
Những năm qua, Ban Chỉ huy quân sự huyện Bạch Long Vĩ luôn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) huyện vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Ban chỉ huy quân sự huyện còn tích cực tăng gia sản xuất để tự cung, tự cấp, bảo đảm dinh dưỡng hàng ngày cho các cán bộ, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp và chiến sỹ trên đảo.
Theo chân Thượng tá Vũ Đức Lợi – Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Bạch Long Vĩ, chúng tôi có dịp được thăm mô hình “vườn – ao – chuồng” khép kín của đơn vị. Mặc dù điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên đảo khắc nghiệt hơn đất liền, nhưng vườn rau ngót, rau dền, rau muống, rau thơm các loại… có diện tích gần 1.000 m2, giàn bầu bí gần 600 m2, do chính tay cán bộ, chiến sỹ chăm chút, tưới tắm mỗi ngày vẫn tươi tốt, xanh ngon.
“Không khí ở Bạch Long Vĩ có độ mặn cao nên các vật dụng bằng sắt, đồ điện tử rất dễ bị ăn mòn, nhanh chóng hư hỏng chỉ sau thời gian ngắn sử dụng. Vì thế thời gian đầu việc trồng trọt, chăn nuôi, tăng gia sản xuất của anh em gặp khá nhiều khó khăn” – Thượng tá Vũ Đức Lợi chia sẻ.
Để cải tạo những mảnh đất cằn cỗi, các cán bộ, chiến sỹ nơi đây đã vận chuyển hàng trăm bao đất từ đất liền ra đảo, tự đào 500m2 ao nuôi thả cá nước ngọt, thả vịt, ngan. Khu chuồng lợn 30 con được chăn nuôi sạch sẽ, ngoài ra, cán bộ, chiến sỹ nơi đây còn nuôi thả đàn bò 8 con.
Nhờ tích cực tăng gia sản xuất nên 6 tháng đầu năm đơn vị tự túc 100% rau xanh, thịt cá các loại, đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày của bộ đội. “Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng cũng rất quan tâm tới đời sống của anh em trên đảo. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, một số nhà bị dột đã kịp thời được tu sửa để anh em yên tâm công tác” - Thượng tá Vũ Đức Lợi khẳng định.
Tâm sự với chúng tôi, anh Ngô Văn Trọng là nhân viên quân khí Ban Chỉ huy quân sự huyện Bạch Long Vĩ không giấu nổi niềm vui khi đón được cả vợ con ra đảo sinh sống lập nghiệp. Giờ đây, cả gia đình anh đã coi “đảo là nhà”, xác định gắn bó với Bạch Long Vĩ và luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao ở đơn vị.
“Chúng tôi sẽ luôn ở đây, bám trụ, kiên cường trước sóng gió nơi cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc để đất liền mãi mãi bình yên” – Thượng tá Vũ Đức Lợi bắt tay bịn rịn nói với chúng tôi trước giờ tiễn đoàn lên tàu trở về đất liền.
Từ trên con tàu Hoa Phượng Đỏ ngoái nhìn lại Bạch Long Vĩ, giữa muôn trùng biển khơi ngọn hải đăng trên đỉnh cao nhất của hòn đảo tiền tiêu vẫn chớp sáng như “mắt thần” canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chúng tôi thầm mong những dự định của lãnh đạo và quân - dân trên đảo sẽ sớm thành hiện thực. Để nơi đây không chỉ là hòn đảo tiền tiêu – cột mốc chủ quyền trên Vịnh Bắc Bộ, mà sẽ là điểm du lịch hấp dẫn, một địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ có thêm cơ hội khám phá, tìm hiểu, trân quý những thành quả của các thế hệ cha anh đã dựng xây, gìn giữ bờ cõi non sông, gấm vóc đẹp tươi như ngày hôm nay.