Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và dấu hiệu hình sự hóa quan hệ kinh tế
Theo đó, sáng ngày 27/2, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên xử lưu động tại TAND tỉnh Bạc Liêu đối với vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra giữa Công ty Minh Hiếu Bạc Liêu và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bạc Liêu (BIDV Bạc Liêu).
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Ngô Chí Dũng (58 tuổi) - Phó Giám đốc; bà Nguyễn Thị Út (35 tuổi) – Tổng Giám đốc và ông Huỳnh Thanh Đoàn (43 tuổi) – Kế toán trưởng Công ty Minh Hiếu Bạc Liêu khẳng định không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như bản án hình sự sơ thẩm số 19/2018/HS-ST ngày 30/5/2018 của TAND tỉnh Bạc Liêu đã nêu.
Các bị cáo khẳng định không lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: DNHN. |
Cũng tại tòa, đại diện VKSND cấp cao tại TP Hồ Chi Minh đã cho rằng bản án sơ thẩm số 19/2018/HS-ST ngày 30/5/2018 của TAND tỉnh Bạc Liêu là quá nghiêm khắc, chưa đủ cơ sở để buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với các bị cáo và có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng trong hoạt động tín dụng.
Cụ thể, theo VKSND cấp cao, trong vụ án còn nhiều mâu thuẫn chưa rõ ràng, có nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ, quá trình điều tra, truy tố, xét xử có nhiều vi phạm thủ tục tố tụng. Việc BIDV Bạc Liêu khởi kiện tại TADN thị xã Giá Rai trước đó để yêu cầu Công ty Minh Hiếu Bạc Liêu trả hết nợ gốc và lãi đã được TAND thị xã Giá Rai công nhận thỏa thuận giữa các bên nhưng do quyết định đòi lại nợ và lãi chưa hết hạn mà BIDV Bạc Liêu đã khởi kiện tòa án thụ lý nên công nhận thỏa thuận cấp dân sự bị hủy, chuyển hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục chung.
Thế nhưng, việc Cơ quan CSĐT tỉnh Bạc Liêu lại khởi tố vụ án ngày 21/3/2016, sau đó vụ án dân sự mới bị đình chỉ là cùng một lúc, một vụ việc cùng một thời gian có đến 2 cơ quan tiến hành tố tụng, thụ lý giải quyết là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Ngoài ra, tài sản thế chấp của Công ty Minh Hiếu Bạc Liêu đều vượt tỷ lệ đảm bảo số tiền cho vay của BIDV Bạc Liêu. Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm đại diện BIDV Bạc Liêu cũng xác định BIDV Bạc Liêu chưa bị thiệt hại. Vì vậy, việc cấp sơ thẩm buộc các bị cáo chịu trách nhiệm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa đủ cơ sở.
Bị cáo được gặp gia đình, vợ con sau hơn 2 năm bị tạm giam - Ảnh: DM. |
Còn theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), tại bản án hình sự sơ thẩm số 19/2018/HS-ST ngày 30/5/2018 của TAND tỉnh Bạc Liêu thì trong HĐXX cấp sơ thẩm có thẩm phán Bùi Anh Tuấn. Tuy nhiên, thẩm phán Tuấn đã bị thay thế bởi thẩm phán Lê Văn Hùng trước đó. Mặc dù quyết định thay thế thẩm phán có trước khi cấp sơ thẩm đưa ra xét xử nhưng HĐXX vẫn giữ nguyên thẩm phán Tuấn là vi phạm tố tụng.
Bên cạnh đó, luật sư Đức cho rằng việc các bị cáo bị tạm giam trong suốt 2 năm, 5 tháng, 16 ngày đã quá thời hạn giam giữ theo Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị HĐXX xem xét cho các bị cáo tại ngoại...
Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, nhận thấy còn nhiều vấn đề chưa được cấp sơ thẩm làm rõ nên HĐXX TADN cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên quyết định hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 19/2018/HS-ST ngày 30/5/2018 của TAND tỉnh Bạc Liêu và chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ án về cho VKSND tỉnh Bạc Liêu để điều tra, truy tố, xét xử lại theo đúng quy định pháp luật.
Những hệ lụy tiềm ẩn
Về vụ án đại gia thủy sản Ngô Chí Dũng bị truy tố tội lừa đảo gây chấn động dư luận ĐBSCL này, Tieudung.vn đã thông tin về việc "Công an can thiệp vào thỏa thuận giữa ngân hàng - khách hàng", cụ thể: Vào 28/5/2018, sau 2 phiên tòa sơ thẩm bị hoãn để bổ sung chứng cớ, TAND tỉnh Bạc Liêu đã đưa vụ án hình sự liên quan tới Công ty Minh Hiếu Bạc Liêu và BIDV Bạc Liêu ra xét xử, bất ngờ tuyên ông Ngô Chí Dũng 20 năm tù với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lập tức, bà Lê Thị Hạc, vợ ông Dũng đã kêu cứu tới các cơ quan chức năng và báo chí, khẳng khẳng định chồng bà và cộng sự không lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bà Hạc cho biết, từ năm 1988, ông bà đã xuống Bạc Liêu kinh doanh nhỏ lẻ, dần dà lập doanh nghiệp. Ông bà đầu tư nhà xưởng, máy móc, vay vốn mở rộng kinh doanh, được các ngân hàng đánh giá rất tốt. Nhưng gặp lúc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ 2008 và kéo dài đến 2013, lãi suất ngân hàng tăng cao, tỷ giá USD biến động, sản phẩm xuất khẩu đi Nhật Bản bị trả về,…
Trụ sở bề thế của Công ty Minh Hiếu Bạc Liêu là tài sản thế chấp ngân hàng - Ảnh: PLO |
Theo bà Hạc, giữa lúc doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, ngân hàng liên tục ra công văn thu hồi vốn trước hạn; tiền bán hàng về bị ngân hàng giữ và không tiếp tục giải ngân theo các hợp đồng vay,… đã đẩy công ty vào ngõ cụt. Dù vậy, công ty vẫn cố gắng trả nợ, tạo việc làm cho trên 500 công nhân. Tuy nhiên, khi BIDV khởi kiện, TAND TX Giá Rai đang thụ lý giải quyết theo thẩm quyền thì Công an Bạc Liêu lại ra quyết định khởi tố hình sự, sau đó bắt giam ông Ngô Chí Dũng và 2 người liên quan, thu giữa các hồ sơ, giấy tờ,...
Nói về vụ việc này, luật sư Nguyễn Thái Nguyên (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng: BIDV Bạc Liêu khởi kiện đòi nợ trước hạn là chưa đúng, vì chưa vi phạm nghĩa vụ trả nợ, thì chưa phát sinh quyền đòi nợ. Trong cùng một vụ việc, cùng thời gian, hai cơ quan tiến hành tố tụng (hình sự và dân sự) cùng thụ lý giải quyết cùng một vụ án là không hợp lý. Các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chỉ thể hiện Công ty Minh Hiếu Bạc Liêu thực hiện một số hành vi gian dối nhưng chỉ nhằm mục đích duy trì vốn đã được vay, có tài sản thế chấp, không có cơ sở xác định những hành vi ấy nhằm mục đích chiếm đoạt tiền vay như cáo buộc.
Đằng sau "đại án" thủy sản này, dư luận băn khoăn rằng việc hình sự hóa quan hệ dân sự tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường đối với môi trường đầu tư không chỉ của ĐBSCL mà còn ảnh hưởng tới đất nước.
Trường Giang