Sai phạm của Agribank Chợ Lớn trong hoạt đông cho vay vàng đối với Dự án KDC Hòa Lân cho đến nay vẫn chưa được xử lý
Sai phạm…
Để thực hiện các Dự án tại tỉnh Bình Dương là Khu Dân cư (KDC) Mỹ Phước 4, KDC Cầu Đò và KDC Hòa Lân, Công ty Thiên Phú có 4 hợp đồng tín dụng vay vốn của Agribank Chợ Lớn. Riêng Dự án KDC Hòa Lân, Công ty Thiên Phú có 2 hợp đồng vay là Hợp đồng số 03.519/HĐTD ngày 01/7/2003 và các phụ lục với số tiền 305 tỷ đồng; Hợp đồng số 28.0307.15/HĐTD ngày 26/3/2007 và các phụ lục, vay 738,2 kg vàng hạt (tương đương 18.634,3 lượng vàng, quy đổi thành 250 tỷ đồng tại thời điểm vay).
Ngày 25/12/2008, Chủ tịch Hội đồng xử lý rủi ro Agribank cho phép Agribank Chợ Lớn quy đổi khoản vay từ vàng ra tiền đồng đối với 3 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng Agribank Chợ Lớn (trong đó có Công ty Thiên Phú), đồng thời chuyển cho Agribank Chợ Lớn 560.937.690.000 đồng để mua 318.714,597 chỉ vàng SJC theo giá 1.760.000đ/1 chỉ vàng.
Ngày 13/01/2009, Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú ký Phụ lục hợp đồng số 28.0307.15/03/PKHĐ sửa đổi Điều 1 Hợp đồng tín dụng số 28.0307.15/HĐTD với nội dung: “Thống nhất loại tiền cho vay sau sửa đổi là tiền đồng, tỷ giá quy đổi ra vàng là 1.760.000 đồng/1 chỉ..... (186.342,66 lượng vàng x 17.600.000 đồng = 327.963.081.600 đồng)”.
Tuy nhiên, theo nội dung đơn tố cáo của người đại diện ủy quyền của Công ty Thiên Phú, Giám đốc đương nhiệm lúc bấy giờ của Agribank Chợ Lớn là Phạm Đăng Bộ đã không mua vàng ngay tại thời điểm đó theo chỉ đạo của Agribank. Đến tháng 5/2009 giá vàng liên tục tăng lên hơn 2,6 triệu đồng/chỉ dẫn đến nguy cơ thiệt hại cho Agribank.
Theo nội dung đơn tố cáo của người đại diện ủy quyền của Công ty Thiên Phú, để che đậy sai phạm của mình, ông Phạm Đăng Bộ đã có thông báo là Agribank có chỉ đạo phải ký lại phụ lục hợp đồng đổi lại từ số tiền hơn 327,9 tỷ đồng đã quy đổi ra lại số vàng vay như trước, và ông Phạm Đăng Bộ cam kết tạo điều kiện cho Công ty Thiên Phú được giãn nợ, tiếp tục cho vay để thực hiện các Dự án. Nếu Công ty Thiên Phú không thực hiện ký phụ lục điều chỉnh, sẽ khởi kiện yêu cầu Công ty Thiên Phú tất toán các khoản vay.
Ngày 22/5/2009, Công ty Thiên Phú buộc phải ký phụ lục hợp đồng tín dụng số 28.0307.15/04/PKHĐ để chuyển đổi số tiền vay từ hơn 327,9 tỉ đồng sang thành vay 186.342,66 lượng vàng.
Ngày 11/01/2013, Khi Ngân hàng nhà nước buộc phải quy đổi dư nợ vàng sang dư nợ tiền đồng với giá quy đổi là 4,5 triệu đồng/chỉ vàng, dẫn đến dư nợ của Công ty Thiên Phú tại Agribank Chợ Lớn tăng vọt lên thành hơn 844,5 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Công ty Thiên Phú hơn 500 tỷ đồng.
… Vì sao chưa xử lý
Những vi phạm của ông Phạm Đăng Bộ, Agribank Chợ Lớn và Agribank được Thanh tra Chính phủ nêu rõ tại Kết luận số 3117/KL-TTCP ngày 24/12/2013 của Thanh tra Chính phủ về vi phạm quy định về cho vay vàng của Agribank Chợ Lớn là “Agribank đã thiếu trách nhiệm khi thực hiện xử lý rủi ro: Ngày 26/12/2008 Agribank chuyển cho Agribank Chợ Lớn 560.937.000.000 đồng để mua 318.714,597 chỉ vàng cho xử lý rủi ro (theo giá vàng tại thời điểm chuyển là 1,76 triệu đồng/chỉ).
Tuy nhiên, Agribank không chỉ đạo Agribank Chợ Lớn khẩn trương mua vàng và Chi nhánh này đã không thực hiện đúng việc mua vàng theo mục đích xử lý rủi ro. Chính vì vậy, đến thời điểm 20/6/2012 Agribank Chợ Lớn chỉ mua được 80.000 chỉ vàng, số còn lại 238.714,597 chỉ vàng chưa mua, tương đương 363.998.000.000 đồng”.
Như vậy do không mua vàng ngay tại thời điểm 26/12/2008 dẫn đến hậu quả phải bỏ thêm chi phí hàng trăm tỷ đồng mới có thể mua đủ số vàng theo yêu cầu xử lý rủi ro (Theo báo cáo của Agribank, thời điểm 20/6/2012, phải mất thêm 614.000.000.000 đồng để mua đủ số vàng 318.714.597 chỉ vàng theo thông báo xử lý rủi ro ngày 25/12/2008).
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý hình sự đối với ông Phạm Đăng Bộ do có dấu hiệu cấu thành tội “Vi phạm các quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự năm 2009...”.
Các sai phạm của ông Phạm Đăng Bộ và Agribank chợ lớn là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền rất lớn. Không biết lý do gì mà đến nay vẫn chưa được xử lý?