PV: Mức án phí mà Tòa án tuyên lên đến hơn 81 tỷ đồng được cho là do đọc nhầm, vậy theo luật sư việc tuyên đọc này có giá trị pháp lý không khi chưa phát hành bản án?
Luật sư Trần Đình Dũng |
Luật sư Trần Đình Dũng: Tuyên án là một chế định được qui định tại Bộ Luật tố tụng dân sự, chứ không phải gọi là đọc như đọc báo cáo, kết luận thanh tra… mà nhiều bài báo đăng tải cụm từ “đọc nhầm”. Nếu có nhầm lẫn thì chỉ có thể gọi “tuyên nhầm”.
Việc tuyên án là thủ tục sau cùng của một phiên tòa, là kết quả phán xét theo nguyên tắc bỏ phiếu nghị án (có lập biên bản nghị án) sau khi đánh giá của các thành viên trong hội đồng xét xử. Tuyên án được qui định tại Điều 267 BLTTDS 2015. Tuyên án có giá trị pháp lý là kết quả giải quyết vụ án. Bản án bằng văn bản chỉ là ghi lại toàn bộ lời tuyên đọc bản án. Sở dĩ có qui định tuyên án là nhằm đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật trong xét xử. Khi tuyên án mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy (Điều 267 BLTTDS).
Chúng ta lưu ý, không có khái niệm “phát hành bản án” trong qui phạm pháp luật, mà chỉ có qui định việc “gửi bản án” tại Điều 269 và Điều 315 BLTTDS 2015, tức giao bản án cho đương sự.
Như vậy, khi chủ tọa phiên tòa “tuyên nhầm” án phí lên tới 81 tỷ đồng (thay vì chỉ 8,1 tỷ đồng) thì phải giải quyết ra sao?
Các thông tin trên báo chí về trị giá tài sản phân chia trong vụ án ly hôn đình đám giữa ông bà “Vua” cà phê Trung Nguyên là một bên 3.364 tỷ và một bên 4.864 tỷ. Nên mức án phí được xác định theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, như sau: Án phí bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải đóng khoảng 3,3 tỷ đồng (giá trị tài sản được nhận 3.364 nên cách tính là 112 triệu + 0,1% x (3.364 - 4 tỷ); ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải đóng khoảng 4,8 tỷ đồng (giá trị tài sản được nhận 4.864 nên cách tính là 112 triệu + 0,1% x (4.864 - 4 tỷ).
Tổng số án phí của cả hai bên phải nộp cho nhà nước là 8,1 tỷ đồng (3,3 tỷ + 4,8 tỷ), nhưng vị chủ tọa phiên tòa đã tuyên thành 81 tỷ đồng.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo sau khi tòa tuyên án. Ảnh: news.zing.vn |
Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Việc sửa chữa do nhầm lẫn số liệu phải ban hành quyết định theo qui định tại Điều 268 BLTTDS 2015 “Trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Thẩm phán phối hợp với các Hội thẩm nhân dân là thành viên Hội đồng xét xử đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án và gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự nếu bản án đã được gửi cho cơ quan thi hành án dân sự”.
Luật sư có nhận xét gì đối với trường hợp chủ tọa phiên tòa tuyên nhầm đang xôn xao dư luận này không?
Trong thực tế tố tụng, cũng có nhiều trường hợp tuyên nhầm về số liệu. Tuy nhiên, như trên tôi đã nói, tuyên án là một chế định hẳn hoi, được điều chỉnh bởi các điều luật riêng biệt nhằm đảm bảo tính nghiêm minh trong phán xử. Việc tuyên nhầm lẫn như thế, ảnh hưởng không nhỏ đối với uy tín của ngành tòa án, đặc biệt trong một vụ án được dư luân quá quan tâm như thế này.
Cảm ơn luật sư!
Hà Nam (thực hiện)