Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2024 quy định một số điểm mới so với luật hiện hành. Trong đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo chủ trương của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Bộ LĐTB&XH dự kiến từ ngày 1/7/2025 sẽ có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng. Ảnh minh họa: Internet.
“Chế độ trợ cấp hưu trí xã hội là chính sách do ngân sách nhà nước đảm bảo, được kế thừa và phát triển từ chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người cao tuổi. Trong đó, Luật lần này quy định rất rõ là công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Riêng đối với những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì điều kiện về tuổi giảm hơn. Cụ thể là người từ đủ 70 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì cũng sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội” – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Duy Cường cho hay.
Khi người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì cũng đồng thời được đảm bảo bảo hiểm y tế.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội cũng như khả năng ngân sách của từng thời kỳ.
Ông Nguyễn Duy Cường cũng thông tin: Với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mới lần này, khi luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, chúng tôi dự kiến có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí hàng tháng và được bảo hiểm y tế.
Một điểm rất căn bản trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định là Chính phủ định kỳ 3 năm thực hiện rà soát và xem xét để điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng. Đối với những người vừa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng nhưng đồng thời lại thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì sẽ được hưởng mức trợ cấp cao hơn.