GrabTaxi có lợi dụng Đề án 24?
Ngày 24/9, TAND TP Hồ Chí Minh đưa vụ kiện tranh chấp “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là hãng Taxi Vinasun với bị đơn là GrabTaxi. Đây là phiên tòa thứ 3 xét xử vụ tranh chấp này. Trước đó vào đầu năm 2018, vụ kiện đã đình chỉ 2 lần.
|
Tài xế Vinasun trong một buổi nghe tuyên truyền về pháp luật tại đơn vị. |
Theo nội dung khởi kiện của hãng Vinasun, vào ngày 7/1/2016 Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành quyết định 24/QĐ-BGTVT về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải theo hợp đồng” (Đề án 24 - PV). GrabTaxi đã dựa vào quyết định nêu trên thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi, gây thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun. Vì vậy đơn khởi kiện cũng yêu cầu tòa án buộc GrabTaxi bồi thường thiệt hại cho Vinasun số tiền thiệt hại lợi nhuận 41.218.896.128 đồng.
Các cơ sở pháp lý mà hãng Vinasun đưa ra để khởi kiện, đó là GrabTaxi là doanh nghiệp kinh doanh taxi, thể hiện ở: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp cho Grab đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách đường bộ. Ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công thương, UBND TP Hồ Chí Minh trong 2 văn bản và ý kiến phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT tại Hội nghị tổng kết của Tổng cục Đường bộ ngày 02/01/2018. Thực tế hoạt động điều hành của GrabTaxi. Phán quyết của Toà Công lý châu Âu về trường hợp của Uber (một doanh nghiệp kinh doanh tương tự như GrabTaxi).
Vinasun kiện để đem lại môi trường cạnh tranh lành mạnh
Cũng theo đơn kiện của Vinasun khẳng định hoạt động của GrabTaxi không thuộc “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” dựa vào căn cứ việc giao dịch của GrabTaxi không phải là “hợp đồng điện tử” theo Luật Giao dịch điện tử và quy định pháp luật về hợp đồng; GrabTaxi không tuân thủ quy định pháp luật về “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” tại điều 7 Nghị định 86/2014/NĐ-CP và điều 44, 45 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT. Vinasun cũng khẳng định trong đơn của mình là GrabTaxi vi phạm Đề án 24 đã được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh nêu; đã có vi phạm khi triển khai dịch vụ GrabShare; vi phạm khi triển khai tại các địa phương ngoài 5 tỉnh, thành phố quy định trong Đề án 24.
“Ngoài ra, GrabTaxi còn vi phạm pháp luật về khuyến mại như tăng giảm giá cước nhiều lần trong ngày; phá vỡ quy hoạch về giao thông đô thị gây thiệt hại không chỉ cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi mà còn xâm hại đến lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội. Qua số liệu thống kê về số phương tiện tham gia Đề án 24 bùng nổ và số Hợp tác xã thành lập để hợp thức hoá tham gia theo yêu cầu của Đề án 24”, đơn kiện của Vinasun, nêu.
Theo một đại diện của hãng Vinasun, việc khởi kiện GrabTaxi không phải chỉ để bảo vệ quyền lợi của Vinasun mà mong muốn qua phán quyết của toà án nhằm đem lại môi trường cạnh tranh công bằng, không chỉ riêng ngành kinh doanh vận tải taxi. Vinasun mong muốn qua vụ kiện này, các Bộ ngành khi soạn thảo chính sách quản lý Nhà nước cân nhắc hơn, thận trọng hơn để tránh gây những hệ luỵ xấu cho xã hội. Vinasun sẽ kiên quyết theo đuổi vụ kiện, tích cực cộng tác với cơ quan chức năng và cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ liên quan.
2 lần hoãn tòa để thu thập thêm thông tin
Trước đó vào ngày 6/2, TAND TP Hồ Chí Minh đã đưa vụ kiện ra xét xử. HĐXX xét thấy cần thu thập bổ sung, tài liệu nên quyết định tạm ngừng phiên tòa. Đến ngày 7/3, tòa tiếp tục đưa ra xét xử lần thứ 2, tuy nhiên tại phiên tòa này HĐXX lại tiếp tục ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Quyết định của TAND TP Hồ Chí Minh khi tạm đình chỉ giải quyết vụ án là để thu thập thêm thông tin từ Bộ GTVT, Sở GTVT và Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh.
|