Cổng dự án Lan Anh Resort Phú Quốc. |
Như Tieudung24h.vn phản ánh việc “Chủ tịch huyện Phú Quốc “phớt lờ” bản án có hiệu lực pháp luật” đã khiến tình trạng xung đột giữa một số người dân ở ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc với lực lượng bảo vệ dự án Lan Anh Resort liên tục diễn ra trong những ngày qua.
Trước đó, vào ngày 28/6/2016 Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc đã ký liền 02 hợp đồng (Số 10/HĐTĐ và số 11/HĐTĐ) cho Công ty TNHH May thêu – Thương mại Lan Anh (có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) thuê trên 153 nghìn mét vuông đất tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc để làm dự án khu du lịch sinh thái (Lan Anh Resort). Thời gian thuê đất là 50 năm kể từ ngày 6/10/2015.
Tại điều 4 (Quyền và nghĩa vụ của các bên) của 02 hợp đồng nêu trên đã phân định rất rõ ràng: “Bên cho thuê đất đảm bảo việc sử dụng đất của bên thuê đất trong thời gian thực hiện hợp đồng; Trong thời gian thực hiên hợp đồng, Bên thuê đất có các quyền và nghĩa vụ theo qui định tại Điều 174 và 175 của luật Đất đai”.
Sau khi được thuế đất, Công ty TNHH May thêu – Thương mại Lan Anh đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, trả tiền thuê đất cho tỉnh Kiên Giang với số tiền trên 41,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khi Công ty TNHH May thêu – Thương mại Lan Anh thực hiện quyền sử dụng đất thuê (rào hàng rào bảo vệ đất và dựng biển hiệu của dự án) của mình thì bị một số người dân (trong đó có bà Pham Kim Lý – Sinh năm 1948, ngụ ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc) ra ngăn cản. Những người dân này cho rằng: đất này thuộc quyền sử dụng của họ, chính quyền lấy đất của họ giao cho doanh nghiệp mà không bồi thường thỏa đáng theo qui định.
Hàng rào bảo vệ của dự án Lan Anh Resort Phú Quốc. |
Theo hồ sơ mà Tieudung24h.vn thu thập được, từ trước năm 1975, bà Phan Kim Lý đã cùng chồng khai phá đất, xây nhà ở, trồng dừa, đào và hoa màu trên toàn bộ diện tích khoảng 30.000m2 tại ấp Cửa Lấp.
Năm 1994, UBND xã Dương Tơ xin chủ trương thành lập chợ và khu dân cư tại ấp Cửa Lấp. Xã cử cán bộ tới động viên gia đình bà Lý hiến đất, thỏa thuận sẽ cấp một nền tái định cư trong khu vực chợ. Sau khi đồng ý giao 26.000m2 đất, gia đình bà Lý chỉ được hỗ trợ 6.200.000 đồng giá trị tài sản trên đất.
Tuy nhiên sau đó, dự án chợ và khu dân cư tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ đã không được thực hiện. Năm 2005, UBND tỉnh Kiên Giang đã giao khu đất này (gồm cả 26.000m2 đất bà Lý hiến làm chợ - PV) cho Công ty TNHH May thêu – Thương mại Lan Anh (Công ty Lan Anh - trụ sở TP.HCM) làm dự án du lịch, khiến người dân bức xúc, gửi đơn tố cáo khắp nơi.
Khi biết UBND tỉnh Kiên Giang giao đất cho Công ty Lan Anh làm du lịch không đúng với chủ trương ban đầu, ngày 17/8/2010, bà Lý khiếu nại tới UBND huyện Phú Quốc để đòi phần đất đã hiến trên.
Ngày 24/5/2012, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định số 1979/QĐ-UBND bác khiếu nại đòi đất của gia đình bà Lý. Sau đó, UBND tỉnh Kiên Giang cũng bác khiếu nại của bà Lý.
Không còn cách nào khác, bà Lý phải làm đơn khởi kiện tại TAND huyện Phú Quốc, yêu cầu tòa án huỷ quyết định số 1979/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc và công nhận quyền sử dụng 26.000m2 đất nói trên cho gia đình mình.
Tại bản án số 05/2016/HC-ST của TAND huyện Phú Quốc ngày 2/2/2016, HĐXX đã xác định quyền sử dụng 26.000m2 đất thuộc về bà Lý nên đã chấp thuận yêu cầu đòi đất của nguyên đơn. Bản án đã tuyên: “1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phan Kim Lý. 2. Hủy quyết định số 1979/QĐ-UBND ngày 24/5/2012 của UBND huyện Phú Quốc về việc giải quyết khiếu nại của bà Phan Kim Lý”.
Ngày 21/2/2017, Chánh án TAND huyện Phú Quốc đã ban hành Quyết định số 10/2017/QĐ-THAHC “Buộc Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc thi hành bản án hành chính số 05/2016/HC-ST của TAND huyên Phú Quốc” nói trên.
Thế nhưng, khi bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc thì không chịu thi hành bản án, phó mặc tranh chấp cho người dân và doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp được Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp có thẩm quyền cho thuê đất để làm dự án và đã hoàn thành tất cả nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình doanh nghiệp thực hiện thi công dự án đã bị các hộ dân ngăn cản và yêu cầu ngừng dự án. Vì các hộ dân cho rằng phần đất này trước khi cho doanh nghiệp thuê là của họ, đã bị UBND cấp có thẩm quyền thu hồi nhưng không bồi thường (hoặc bồi thường chưa thỏa đáng) và đã được phán quyết bằng Bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Việc thu hồi và cho thuê đất của UBND cấp có thẩm quyền như trên là không phù hợp các quy định của pháp luật về đất đai và xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Trường hợp này, doanh nghiệp có quyền yêu cầu UBND cấp có thẩm quyền đó bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Khoản 8 Điều 13 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong trường hợp: Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Luật sư Trương Nguyễn Công Nhân Công ty Luật TNHH Nhân Việt – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh |
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê được qui định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật đất đai 2013: Điều 166. Quyền chung của người sử dụng đất 1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất. 3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp. 4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp. 5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình. 6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này. 7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai. Điều 170. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất 1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan. 2. Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. 3. Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. 4. Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất. 5. Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan. 6. Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất. 7. Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng. |
Tieudung24h.vn sẽ tiếp tục thông tin vị việc này.