Luật sư Trần Đình Dũng |
PV: Sự việc liên quan đến Chuổi cửa hàng Con Cưng và Thương hiệu Cơm tấm Kiều Giang đang gây chú ý đặc biệt của dư luận do phía các doanh nghiệp cho rằng cơ quan nhà nước công bố sai thông tin, luật sư có ý kiến như thế nào?
Luật sư Trần Đình Dũng: Đối với doanh nghiệp, việc cơ quan Nhà nước công bố thông tin sai phạm là rất quan trọng. Nó có thể phá sản cả một doanh nghiệp. Cho nên việc công bố thông tin phải hết sức cẩn trọng và thật chính xác khi đã có kết luận rõ ràng, đúng thẩm quyền, chứ không nên công bố thông tin chỉ khi mới nghi ngờ chưa có kết luận.
Một số báo đăng tin Chuổi cửa hàng Con Cưng và Cơm tấm Kiều Giang có sai phạm, chắc rằng gây thiệt hại không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của họ.
Những thiệt hại này doanh nghiệp có quyền đòi bồi thường hay không?
Doanh nghiệp hay bất cứ tổ chức, cá nhân nào mà bị thiệt hại do công chức thi hành công vụ làm sai gây ra đều có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước bồi thường. Trong trường hợp này Doanh nghiệp có thể yêu cầu bồi thường nếu công chức công bố thông tin sai gây thiệt hại và Nhà nước cần xử lý nghiêm những hành vi công chức công bố thông tin tùy tiện làm ảnh hưởng cho doanh nghiệp. Điều 598 Bộ luật dân sự 2015 qui định “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.
Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2017 (thay cho luật ban hành năm 2009), mở rộng phạm vi Nhà nước phải bồi thường. Trong trường hợp thông tin công bố từ cuộc họp báo và kết luận thanh tra có khác nhau thì phần công bố khác trước đó được coi là công vụ sai (công bố sai sự thật) và đó là căn cứ bồi thường thiệt hại theo qui định tại Điều 7, Điều 8 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017.
Việc yêu cầu bồi thường có thể thực hiện qua thương lượng thỏa thuận hoặc khởi kiện lên tòa án giải quyết.
Riêng đối với daonh nghiệp kinh doanh thực phẩm, công chức thi hành công vụ có trách nhiệm giữ bí mật khi kiểm tra theo qui định tại Điểm b Khoản 4 Điều 68 Luật an toàn thực phẩm 2010 “Bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức”.
Ngoài ra, người công chức làm sai, công bố thông tin sai thì cá nhân họ còn bị xử lý kỷ luật theo Luật công chức, nếu gây thiệt hại lớn, trong một số trường hợp còn có thể bị truy tố hình sự.
Việc xác định thiệt hại như thế nào thưa luật sư?
Hậu quả của việc công bố thông tin bất lợi là có thể gây thiệt hại rất lớn cho dạng kinh doanh có hệ thống bán lẻ như Con Cưng và kinh doanh ăn uống như Kiều Giang. Nếu như thông tin đó mà sau này có văn bản kết luận là thông tin sai toàn bộ hoặc một phần thì cơ quan Nhà nước phải gánh chịu trách nhiệm không nhỏ.
Nguyên tắc thiệt hại được xác định thiệt hại thực tế như doanh số giảm sút, bể hợp đồng với các đối tác, đình trệ kinh doanh ảnh hưởng đến người lao động…
Xin cảm ơn luật sư!
Hà Nam (thực hiện)