Hiện thời gian thí điểm 2 năm của ứng dụng công nghệ Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber) và Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Car) theo Quyết định 24 đã hết.
Ngoài 2 đơn vị này còn có 8 đơn vị khác tham gia Đề án thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT bao gồm: Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (V.Car), Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Công ty CP Sun Taxi (S.Car), Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car), Công ty CP Hợp tác đầu tư và Phát triển (Home Car), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Linh Trang (LB.Car), Công ty TNHH Phúc Xuyên (Emddi-Quảng Ninh).
Các Bộ, ngành cũng đang đưa ra ý kiến của mình về cách thức quản lý loại hình taxi này và cũng đang trình để Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, do hết thời gian thí điểm nên hoạt động kinh doanh của các hãng taxi này đang có một khoảng trống pháp lý nhất định và chắc chắn, trong thời ngắn tới Chính phủ sẽ ban hành các quy định cần thiết để tiếp tục quản lý loại hình này.
“Một năm Uber, Grab báo lỗ cả nghìn tỷ đồng, tại sao lỗ? Do trốn thuế, hay để cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống, giảm giá tối đa để “giết” các ông taxi truyền thống? Cạnh tranh thế có bình đẳng không?,” Bộ trưởng GTVT đặt câu hỏi.
Theo ông Thể, nhiều năm qua có nước ủng hộ Uber, Grab, có nước không. Thế nhưng, nếu nhìn vào phán quyết của toà án châu Âu, Uber, Grab muốn hoạt động thì phải định hướng vào loại hình nào để vừa cạnh tranh bình đẳng với các loại taxi khác, vừa đảm bảo an toàn cho người dân.
“Một taxi không có biển hiệu, mã số thuế, thông tin tài xế...tới lúc xảy ra cướp giật giết người ai chịu trách nhiệm. Định hướng quản lý phải làm sao chống thất thu thuế, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng”, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu.
Trước đó, Tòa Công lý châu Âu (ECJ) của Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết Uber là một công ty vận tải thông thường thay vì là một ứng dụng công nghệ, do đó phải tuân thủ các quy định tương tự như một hãng taxi thông thường tại EU.
Sau 2 năm “cơn bão” ứng dụng gọi xe Uber, Grab đổ bộ vào Việt Nam và trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của tất cả các hãng taxi truyền thống, khiến taxi truyền thống “dở sống, dở chết”.
Tuy nhiên, việc thí điểm cũng bộc lộ rõ hàng loạt những hạn chế, bất cập giữa loại hình ứng dụng gọi xe công nghệ và taxi truyền thống khi đặt ra vấn đề như Uber, Grab có là taxi và cơ quan quản lý Nhà nước có truy thu thuế được không? Số lượng xe thí điểm có vượt quá quy hoạch?
Tại hội nghị “Tổng kết 2 năm thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng” của Bộ Giao thông Vận tải vào ngày 19/12/2017, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và hãng taxi cũng tỏ ra lúng túng khi đặt ra câu hỏi về việc nhận dạng Uber, Grab là loại hình kết nối công nghệ hay vận tải như taxi?
Hiện vì chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp này không chịu sự điều chỉnh của các quy định về kinh doanh vận tải, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển truyền thống khác như taxi, xe ôm.
Ngày 20/12/2017 Tòa Công lý châu Âu ra phán quyết Uber là một công ty vận tải thông thường, thay là một ứng dụng công nghệ. Tòa Công lý châu Âu có trụ sở ở Luxembourg nhấn mạnh, dịch vụ do Uber cung cấp có sự kết nối các cá nhân với các tài xế không chuyên, “vốn đã liên quan tới dịch vụ vận tải” và vì thế phải được phân loại là "một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải" trong khuôn khổ luật pháp của Liên minh châu Âu. Do đó, các nước thành viên có thể quy định các điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ này. |