Với kinh nhiệm nhiều năm làm trong lĩnh vực vận tải, chàng trai trẻ Hà Huy Vũ đã nhận thấy tiềm năng từ thị trường xe phục vụ các chuyến đi và về nối sân bay với trung tâm thành phố.
Cùng một vài người bạn, Vũ đã mạnh dạn áp dụng công nghệ tương tự như các hãng lớn như Uber hay Grab đang sử dụng để khai thác thị trường ngách này. Theo đánh giá của Vũ, thị trường này đã được một số đơn vị khai thác nhưng vẫn rất tiềm năng.
Hà Huy Vũ và nhóm vận hành Vietgo. Ảnh: NVCC. |
Vũ phân tích hiện nay, khách hàng di chuyển giữa sân bay Nội Bài và trung tâm Hà Nội có rất nhiều lựa chọn, từ taxi truyền thống, taxi công nghệ đến các hãng xe dịch vụ hay các tuyến bus của các hãng hàng không hoặc bus của thành phố. Tuy nhiên, mỗi loại hình đều có nhược điểm riêng như giá taxi cao, bus rẻ nhưng khách lại không chủ động được giờ đi giờ đến.
Cùng với một vài người trẻ chung chí hướng, Vũ bắt tay triển khai Vietgo, ứng dụng gọi xe đi sân bay với mức giá cạnh tranh. Với mong muốn giúp các tài xế lấp khách ở cả hai chiều đi và về từ sân bay, vừa tiếp kiệm nhiên liệu, thời gian của các lái xe, vừa tăng thêm thu nhập, ứng dụng của Vũ cho phép kết nối trực tiếp giữa khách hàng có nhu cầu và tài xế cộng tác cùng nhóm. Qua 3 tháng từ tháng 8/2016, theo chia sẻ của Vũ và các bạn, ứng dụng này đã thu về 1,5 tỷ đồng doanh thu trong giai đoạn "vừa chạy vừa mò mẫm thử nghiệm".
Nhờ tận dụng xe hai chiều luôn có khách nên giá của mỗi "cuốc" Vietgo chỉ khoảng 160.000 đồ
Giao diện của ứng dụng Vietgo. Ảnh: Ngô Minh. |
Hà Huy Vũ chia sẻ anh khá am hiểu về sự nhạy cảm về thời gian của các chặng xe đi sân bay do từng làm vận tải nhiều năm. "Hầu hết khách hàng đều rất sợ trễ chuyến, hủy vé nên mình luôn phải đảm bảo khách hàng đến check-in sân bay đúng giờ", anh bày tỏ.
Vũ nói thêm khi Vietgo đi vào hoạt động, có những khách đi chuyến sáng sớm mà anh lo lắng không ngủ được. Có thời điểm, 4h, anh và các bạn phải gọi điện cho tài xế vì lo tài xế ngủ quên hay có trục trặc gì.
Cũng theo Vũ, trong hơn 3 tháng vận hành trên tuyến Nội Bài - Hà Nội, ứng dụng "cạnh tranh" với Uber, Grab này đã phục vụ được khoảng 30.000 "cuốc" và may mắn là chỉ phải đền vé cho một hành khách do trễ chuyến mà lỗi là ở ứng dụng. Vị khách này đã được đền bù toàn bộ tiền vé máy bay cũng như miễn phí hai chiều đi và về.
Hiện ứng dụng của nhóm có lượng tăng trưởng khách hàng cũng như đối tác lái xe khoảng 20-30% mỗi tháng. Tuy nhiên, hiện tại, Hà Huy Vũ đang phải ngừng tìm đối tác lái xe mới để rà soát lại chất lượng cũng như thái độ phục cụ của từng tài xế.
Theo Vũ, kiểm soát chất lượng lái xe chính là khâu khó nhất trong quản lý start-up và anh không muốn tăng lượng lái xe nhanh mà không quản được chất lượng.
Mỗi ngày, Vietgo phục vụ khoảng 300 "cuốc" xe hai chiều trên tuyến Nội Bài - Hà Nội, chủ yếu gọi xe từ ứng dụng di động và qua tổng đài. Nhóm hiện có khoảng 300 đối tác lái xe và sở hữu thêm 10 xe để phòng trường hợp khẩn cấp như đối tác gặp vấn đề về sức khỏe hay xe hỏng giữa đường nhằm đảm bảo có xe thay thế để hành khách không bị trễ chuyến. Hà Vũ tự tin cho hay dàn xe của Vietgo đang khai thác có chất lượng tương đương UberX.
Chị Trương Thị Thúy Bình (Hà Đông, Hà Nội), một khách hàng đã đi 9 chuyến của Vietgo, cho hay đội xe của nhóm rất nhiệt tình, thái độ cũng tốt mà giá lại cạnh tranh nên từ khi sử dụng dịch vụ tới giờ chị chưa có gì phải phàn nàn.
Anh Hiếu, một đối tác lái xe đã gắn bó từ ngày đầu Vietgo vận hành, cho hay anh vẫn đang sử dụng Vietgo song song với các ứng dụng chạy xe khác. Những ứng dụng phổ biến hiện nay phần lớn không khai thác sâu thị trường sân bay, đặc biệt là trên chiều từ Nội Bài về lại Hà Nội, chiều mà trước đây anh thường phải chạy trống chuyến.
"Nhờ lấp được các chuyến trống mà thu nhập mình cũng được cải thiện đáng kể, giờ mình đã chuyển sang chạy chủ yếu tuyến đi và về từ Nội Bài", anh Hiếu chia sẻ.
Theo Hà Huy Vũ, Vietgo đang lên kế hoạch "Nam tiến" trong tháng 12/2016 và tiến tới khai thác toàn bộ các thị trường có sân bay trên cả nước. Không chỉ vậy, nhóm còn muốn sẽ triển khai mạnh hơn các "cuốc" đi tỉnh phục vụ khách hàng có nhu cầu.