Năm qua, khách sạn Kim Liên thu về hơn 128 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với năm trước đó, đáng chú ý, chi phí quản lý đã giảm tới 4 lần giúp khách sạn tránh kết quả lợi nhuận âm như năm 2015 trước đó. Hết năm 2016, khách sạn Kim Liên báo lãi ròng gần 7,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khách sạn nghìn tỷ của bầu Thụy vẫn chưa thể thoát lỗ.
Cụ thể, lãi ròng 7,5 tỷ đồng trong năm 2016 nhưng khách sạn Kim Liên vẫn còn khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 26 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế này chính là số tiền lỗ cộng dồn từ năm 2015 để lại đến nay.
Cuối năm 2015, thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái 52% vốn cổ phần tại Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên, đơn vị sở hữu khách sạn Kim Liên, đã khiến giới đầu tư trong nước dậy sóng.
Khách sạn Kim Liên tọa lạc trên khu đất rộng 3,5 ha mặt đường phố Đào Duy Anh, quận Đống Đa. Ảnh: Lê Hiếu. |
Hàng loạt đại gia đã ngỏ ý muốn tham gia thâu tóm khu đất vàng tại mặt đường Đào Duy Anh (quận Đống Đa), nơi khách sạn Kim Liên tọa lạc.
Những cái tên lớn như Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng miền Trung, Tập đoàn Trường Thịnh, Bảo hiểm Bưu điện, Đầu tư Văn Phú Invest hay Tập đoàn Phú Mỹ… Tuy nhiên, nổi bật nhất phải kể tới Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE của "nữ tướng" Nguyễn Thị Mai Thanh và Thaigroup của đại gia Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy).
Sau khi đưa ra mức giá cao gấp gần 10 lần giá khởi đầu, Thaigroup của ông bầu Nguyễn Đức Thụy đã thâu tóm thành công khách sạn Kim Liên với khoản tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Bầu Thụy cũng trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Kim Liên.
Tọa lạc tại khu đất rộng 3,5 ha trên mặt đường phố Đào Duy Anh, khách sạn Kim Liên có 9 tòa nhà, 437 phòng khách sạn và 5 nhà hàng, đây cũng là một trong những khách sạn tầm cỡ và quy mô nhất của Hà Nội trước năm 2000.
Trước thời điểm bầu Thụy thâu tóm, kết quả kinh doanh hàng năm của khách sạn Kim Liên khá khiêm tốn. Năm 2013, khách sạn này chỉ lãi gần 14,5 tỷ đồng, năm 2014, thu về 13,5 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, ngay năm 2015, khi bầu Thụy đánh dấu tên tuổi mình tại đây, Kim Liên báo lỗ ròng tới 34 tỷ đồng.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới khoản lỗ lớn này chính là chi phí quản lý khách sạn trong năm 2015 đã tăng mạnh khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh báo chỉ số âm.
Báo lãi dương trong năm 2016 nhưng khách sạn Kim Liên vẫn còn khoản lỗ lũy kế lên tới 26 tỷ đồng trên báo cáo tài chính. Đồ họa: Quang Thắng. |
Được biết, khu đất vàng phố Đào Duy Anh nơi khách sạn Kim Liên tọa lạc cũng chỉ là đất công ty đi thuê lại có thời hạn 50 năm, từ năm 1993. Khu đất này cũng không hề được hạch toán vào báo cáo tài chính của công ty.
Như vậy, Công ty Du lịch Kim Liên có quyền sử dụng khu đất 3,5 ha này tới năm 2043, tức là còn khoảng 26 năm trước khi hết hạn thuê. Với kết quả kinh doanh như hiện nay, và khoản lỗ lũy kế hơn 26 tỷ đồng còn tồn đọng, khoản đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng của bầu Thụy sẽ khó có thể thu hồi trong ngắn hạn.
Tính đến hết năm 2016, tổng tài sản của Công ty Du lịch Kim Liên đạt gần 67,5 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2015. Nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm tài sản công ty do tài sản dài hạn trong năm 2016 đã giảm hơn 7 tỷ đồng, tài sản cố định cũng bị giảm giá trị gần 5 tỷ đồng, và giá trị một số tài sản khác sụt giảm…
Đáng chú ý, hiện nay, vốn điều lệ của Công ty du lịch Kim liên lên tới gần 70 tỷ đồng, tức là còn lớn hơn tổng tài sản công ty. Và công ty này hiện cũng không có bất kỳ một khoản nợ vay ngân hàng nào, và toàn bộ hoạt động vận hành khách sạn là từ nguồn vốn của chủ sở hữu.
Sau 1 năm thâu tóm, hành trình đưa Khách sạn Kim Liên trở thành một điểm nhấn của Hà Nội với tổ hợp khách sạn 4 và 5 sao thương hiệu quốc gia như tuyên bố trước đó của ông bầu Nguyễn Đức Thụy vẫn còn rất nhiều dang dở.