Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu 2018, cả nước nhập về tổng số 60 chiếc ô tô nguyên chiếc các loại. Đáng chú ý, chỉ có 6 chiếc ô tô dưới 9 chỗ ngồi được nhập về trong thời gian này. Đây là con số giảm mạnh chưa từng thấy so với cùng kỳ năm trước và cả so với kỳ nhập khẩu liền kề trước đó.
Dù được xem là diễn biến lạ của thị trường Việt Nam nhưng lượng xe nhập khẩu giảm đã được dự báo trước bởi vào thời điểm 1/1/2018, Nghị định 116 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được ban hành và có hiệu lực.
Nghị định mới quy định ngặt nghèo hơn đối với các mẫu xe được nhập khẩu về Việt Nam. Quy định yêu cầu các doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh, nhập khẩu ô tô. Ngoài ra, 2 điểm mới được cho là khó khăn với các doanh nghiệp nhập khẩu là doanh nghiệp cần có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp (VTA) và mỗi lô hàng đều phải kiểm định một mẫu xe.
Ngay từ đầu năm, khi nhu cầu của khách lên cao, trong khi nguồn cung cả xe nhập và xe lắp ráp trong nước đều lâm vào cảnh khan hàng vì chính sách thuế và quy định nhập khẩu của Chính phủ.
Những năm trước, các mẫu xe "hot" thường sẽ khan hàng và khách phải trả nhiều tiền hơn nếu muốn lấy sớm, nhưng năm nay hầu hết các mẫu xe của các hãng phổ thông đều hết hàng. Chưa năm nào thị trường cuối năm lại hết hàng trên diện rộng như vậy. "Hết xe để bán" trở thành câu cửa miệng của các nhân viên bán hàng mỗi khi khách hỏi.
Trường Hải cho biết, hai mẫu xe hot là Mazda CX-5 và Kia Cerato đã hết hàng vì linh kiện không về kịp thời điểm trước Tết. "Hãng đã gửi thông báo cho đại lý ngừng giao dịch hai dòng xe này từ nửa tháng trước. Phải đến tháng 4, tháng 5 tình hình mới ổn định trở lại", vị đại diện cho biết.
Nhiều hãng khác không thể chủ động nguồn cung tốt khi nhu cầu mua xe tăng cao. Ford cho biết cũng không còn hàng giao về các đại lý từ thời điểm này. Mẫu xe hút khách nhất của hãng là bán tải Ranger nhập khẩu chỉ kịp về một lô trước 2018. Một đại lý Ford ở Hà Nội cho biết, bình thường một tháng đại lý được giao 400 xe thì tháng này chỉ có 100 xe, không có hàng để bán. Những mẫu xe nhập được săn đón nhiều nhất trên thị trường như Honda CR-V 2018, Toyota Fortuner không thể đáp ứng sức mua tăng đột biến của người tiêu dùng.
"Nếu anh đặt Honda City bản cao cấp, bên em không chắc giao xe cho anh trước Tết. Nhà máy chưa có lịch thông báo xe nào và lượng xe về đại lý bao nhiêu", nhân viên bán hàng Honda ở quận Bình Tân cho biết. Riêng mẫu sedan cỡ C Civic nhập khẩu không còn hàng để bán cho khách vì xe ít nhưng lượng đặt mua lại quá cao.
Cũng trong tuần qua, Toyota và Honda tuyên bố sẽ tạm dừng xuất khẩu sang Việt Nam kể từ đầu năm nay khi Việt Nam do các vướng mắc từ Nghị định 116. Nhiều doanh nghiệp trong VAMA cũng đã nhiều lần kiến nghị về các vướng mắc nêu trên. Trong một văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hồi cuối năm 2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết việc kiểm định khí thải có thể mất 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD. "Nó sẽ gây lãng phí rất lớn cả về thời gian và tiền bạc".
Xe ô tô nhập khẩu vào thị trường Việt sẽ tiếp tục nhỏ giọt và khan hiếm bởi cho hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã có trong tay giấy phép kinh doanh và nhập khẩu xe. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ quan quản lý lại chưa ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định để doanh nghiệp nhập xe vào thị trường Việt Nam.
Theo các chuyên gia tính toán, ngay cả sau khi các điều khoản ràng buộc trong Nghị định 116/2-17/NĐ-CP được “cởi nút” bằng thông tư hướng dẫn, cũng sẽ phải ít nhất sang quý III/2018 thị trường mới có thêm các mẫu xe nhập khẩu mới về Việt Nam.
Chính vì vậy, trước bối cảnh nhu cầu của thị trường tăng cao do việc nguồn cung chưa đáp ứng nổi nhu cầu của người dân, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, người tiêu dùng nên cân nhắc để có quyết định phù hợp, tránh việc mất hàng trăm triệu đồng chỉ để có xe sớm trước vài tháng - một lí do hoàn toàn cảm tính chứ không phải là đáp ứng các nhu cầu cấp thiết.