Ông Nghĩa kiểm tra phôi nấm. |
Ông Phan Thừa Nghĩa (57 tuổi), chủ nhân của trang trại nấm ở P. Phước Thới (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ), kể cơ duyên đến với nghề trồng nấm từ sự tình cờ phát hiện một số người trồng nấm rất hiệu quả nên bắt đầu “để ý” đến loại cây này. Sau đó, ông vừa dạy học, vừa học thêm nghề trồng nấm mèo, bào ngư để tăng thu nhập. "Tuy nhiên, do trồng nhỏ lẻ thu nhập gia đình không cải thiện mấy, nên tôi lên Đà Lạt xin vào làm cho công ty chuyên xuất khẩu nấm bào ngư sang Pháp. Mỗi năm, công ty này trồng và xuất khẩu hàng trăm tấn nấm. Khi nắm một số kiến thức về cách trồng nấm bào ngư và có một số vốn dành dụm được, tôi quyết định khởi nghiệp từ chính loại nấm này”, ông Nghĩa nhớ lại.
Sau đó, ông về Đồng Nai, TP.HCM thuê đất để trồng nấm, mỗi năm thu lời hàng trăm triệu đồng. Để bảo đảm nghề nấm bền vững, ông còn xây dựng tại TP.HCM một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về nấm. Tuy đã có cơ ngơi vững chắc ở TP.HCM, nhưng ông Nghĩa vẫn thấy cây nấm còn nhiều tiềm năng phát triển, nhất là những vùng đất mới. Vì thế, sau khi tìm hiểu, thấy thời tiết, thổ nhưỡng ở miền Tây thích hợp với nấm bào ngư, nấm rơm nên ông quyết định mang cây nấm về vùng châu thổ Cửu Long. Lúc đó là năm 1997, ông mua 1 ha đất ở Ô Môn lập trang trại nấm khiến nhiều người giật mình. Bởi ở miền Tây khi đó người dân chủ yếu trồng nấm rơm, nấm mèo chứ nấm bào ngư là một cái gì đó quá xa lạ, những người có hàng chục năm trồng nấm còn chưa nghĩ tới. Nhưng với ông Nghĩa, vùng đất mới này hứa hẹn nhiều tiềm năng và cũng có thế mạnh. “Một vùng đất nông nghiệp bạt ngàn, phụ phẩm sau mỗi mùa vụ bà con bỏ không thể kể hết mà những thứ đó thì lại phù hợp với cây nấm”, ông Nghĩa nói.
Nhờ làm bài bản, áp dụng công nghệ tiên tiến nên nấm của ông được người trồng đón nhận, làm ra không đủ bán. Thấy vậy, năm 2006, ông quyết định mua thêm 1 ha đất để mở rộng sản xuất, chủ yếu là trồng nấm bào ngư Nhật, nấm linh chi và nấm mèo theo công nghệ sạch.
Hiện nay, ông vừa cung cấp bịch phôi cho người trồng, vừa sản xuất nấm thương phẩm bán cho các đầu mối thu mua. Bình quân mỗi tháng trang trại của ông xuất bán khoảng 4 tấn nấm bào ngư, nấm rơm; khoảng 100.000 bịch phôi giống bào ngư và nấm linh chi, đồng thời giúp hơn 90 lao động tại địa phương có việc làm. Ông Nghĩa khẳng định trồng nấm bào ngư hoặc linh chi không khó, cũng không vất vả như trồng nấm rơm. Ai cũng có thể thành công với điều kiện phải nắm vững quy trình kỹ thuật vì sự tăng trưởng và quá trình phát triển của nấm có liên quan đến nhiều yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, pH, ánh sáng... Do đó, điều kiện đầu tiên là trại phải đúng tiêu chuẩn về kích thước và độ ẩm. Kế đến là cách sắp xếp các bịch phôi nấm sao cho vững vàng, không bị ngã đổ, nhất là khâu phun nước phải bảo đảm mỗi ngày 4 - 5 lần (nếu có hệ thống phun tự động càng tối ưu). Kỹ thuật sản xuất phôi cũng đòi hỏi phải hết sức nghiêm ngặt, bảo đảm sạch vì chúng rất nhạy cảm với môi trường, nhất là hóa chất và thuốc trừ sâu. Ngay cả chất độn như mùn cưa cũng phải đảm bảo chất lượng để nấm đạt năng suất cao.
Gần đây, ông Nghĩa nhập từ Mỹ về 6 loại nấm bào ngư và linh chi, đây được coi là những loại nấm tốt nhất hiện nay. Trong quá trình sản xuất, ông Nghĩa truyền nghề lại cho những cộng sự có nhiều năm theo làm ăn, để họ nắm vững kỹ thuật, sau đó có thể tự mở riêng cho mình một cơ sở sản xuất. Mới đây, ông cho biết đang chuẩn bị làm ăn với Nhật. “Tôi vừa đi Nhật Bản về, mọi việc rất thuận lợi. Sắp tới chỉ còn chờ ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ cùng với máy móc là có thể đưa nấm ra nước ngoài. Người Nhật đòi hỏi cao, nhưng nếu đáp ứng được thì làm ăn với họ rất yên tâm”, ông Nghĩa nói.
Bạn đọc quan tâm đến nghề trồng nấm, có thể liên hệ ông Phan Thừa Nghĩa, điện thoại: 0913740861.