Anh Vũ bên chiếc máy sản xuất giá sạch tự động do mình chế tạo. Ảnh: NVCC. |
Trăn trở với thực trạng rau bẩn tràn lan ngoài thị trường, chàng kỹ sư nông nghiệp Tiêu Thanh Vũ quyết định bỏ dở công việc ổn định để đầu tư cho cơ sở sản xuất giá sạch.
Tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, Vũ được giữ lại phụ trách nghiên cứu và trợ giảng tại khoa Nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sinh học. Sau đó 2 năm công tác tại đây, anh tiếp tục được điều chuyển giữ chức phó phòng của một trung tâm kỹ thuật thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ. Khi công việc đang trên đà thăng tiến, Vũ quyết định nộp đơn xin nghỉ việc để về mở cơ sở trồng rau sạch tại nhà, kèm theo bao hoài nghi từ đồng nghiệp lẫn bạn bè, gia đình.
Chia sẻ về quyết định tạo báo này, anh cho biết đã trăn trở rất nhiều khi là một người nghiên cứu khoa học nhưng khoanh tay đứng nhìn rau tưới đầy hóa chất bày bán tràn lan khắp các chợ mà người dân vẫn mua vô tư.
“Tôi không muốn những công trình nghiên cứu nông nghiệp của mình dừng lại trong phòng thí nghiệm, nó phải sớm được ứng dụng và góp sức hạn chế thực trạng sử dụng rau bẩn. Tôi nghĩ cách nhanh nhất biến ý tưởng này thành hiện thực là tự mở cơ sở của riêng mình”, anh Vũ nói.
Ban đầu, anh xây hàng loạt khung kệ trong khuôn viên 100m2 để ươm trồng rau mầm. Thời điểm cách đây 10 năm, đây là mặt hàng nông sản khá mới lạ nên giá tương đối cao và luôn thiếu hàng cung cấp cho thị trường. Sau một thời gian được khách hàng săn đón, rau mầm dần “lỗi thời” nên sức mua giảm hẳn, anh Vũ chuyển hướng đầu tư vào mô hình trồng giá sạch.
Từ năm 2012, anh bắt đầu trồng khảo nghiệm theo phương pháp truyền thống với đậu xanh, tro và nước nhưng kết quả không khả quan như mong đợi. Anh chủ động liên hệ với nhiều hộ gia đình làm nghề này để học hỏi và rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, cũng từ đây mà anh phát hiện ra người trồng giá thường sử dụng một vài hóa chất nhằm ức chế quá trình phát triển của rễ, làm cọng giá to và trắng hơn. Không bằng lòng với điều này, anh vạch ra kế hoạch nghiên cứu chiếc máy sản xuất giá tự động kết hợp giữa quy trình trồng thủ công và tự động hóa. Anh Vũ trở lại nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật của bạn bè và giảng viên cũ tại Đại học Cần Thơ. Sau gần 2 năm nay mày mò nghiên cứu và không kể hết những lần bỏ tiền bù lỗ vì sai sót, anh cho ra đời chiếc máy hoàn thiện với công suất 100 kg mỗi ngày, tiêu hao chỉ 0,5kW điện.
“Nếu so sánh với phương pháp trồng giá thủ công bằng đậu xanh, nước và tro thì sản lượng cũng tương tự, cứ 1kg đậu xanh sau 4 ngày ngâm ủ thì cho ra 9kg giá. Tuy nhiên, điều vượt trội là để sản xuất số lượng trên theo phương pháp truyền thống cần 3 nhân công làm việc trên diện tích 100m2, trong khi chiếc máy này chiếm chưa đến 2m2”, anh Vũ cho biết.
Chàng kỹ sư 39 tuổi cho biết, ưu điểm lớn nhất của máy làm giá tự động là không sử dụng bất kì hóa chất nào nên hạt đậu khi phát triển thành cây giá vẫn giữ nguyên chất dinh dưỡng vốn có, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nông dân trồng giá hoàn toàn chủ động về số lượng sản xuất và thu hoạch theo nhu cầu của thị trường, từ đó tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư.
Mỗi ngày, cơ sở của anh cung cấp cho các hệ thống siêu thị tại Cần Thơ và chợ lẻ khoảng 300 kg. Giá bán dao động từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng một kg. Theo tính toán của anh Vũ, sau khi trừ chi phí đầu tư và vận hành thì mỗi 100 kg giá thành phẩm lãi hơn 500.000 đồng. Với công suất hoạt động như hiện tại thì lợi nhuận trung bình mỗi năm có thể lên đến 500 đến 600 triệu đồng.
Ngoài nguồn thu nhập từ sản phẩm giá sạch, anh Vũ còn mở xưởng chế tạo máy sản xuất giá tự động để chuyển giao cho nông dân ở những địa phương lân cận và xuất khẩu sang Lào, Campuchia với giá trên 50 triệu đồng một chiếc. Chiếc máy sản xuất giá tự động của anh từng nhận nhiều giải thưởng như hạng nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ, giải thưởng Nhà sáng chế của Đài truyền hình Việt Nam, 100 thương hiệu nổi tiếng do Liên hiệp khoa học doanh nhân Việt Nam bình chọn.