Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm vẫn đạt kỷ lục mới với 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%; thuỷ sản 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã tiếp tục duy trì được 09 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, sau hai năm chống chọi với dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) gây thiệt hại chưa từng có. Từ tháng 2/2019 đến nay, cả nước đã có trên 96% số xã không có DTLCP. Đây là điều kiện cơ bản để người chăn nuôi, doanh nghiệp và các địa phương tổ chức tái đàn, tăng đàn.
Tính đến tháng 11/2020, tổng đàn lợn cả nước đã đạt trên 26 triệu con, tăng 12% so với cùng thời điểm năm 2019 và tăng 115,5% so với thời điểm 1/1/2020. Sản lượng thịt lợn hơi cả năm 2020 dự kiến đạt 3,46 triệu tấn, tăng gần 4% so với năm 2019.
“Thách thức lớn, khó khăn nhiều, nhưng với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, bám sát thực tiễn… các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân cần bình tĩnh, nhận dạng kỹ, chính xác từng vấn đề để cùng nhau chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả từng bước vượt qua khó khăn, thách thức. Ngành nông nghiệp vốn đã nỗ lực, nay phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là biến "nguy" thành "cơ"; linh hoạt phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, để vừa chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất, vừa phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế”, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chưa từng có, ngành Nông nghiệp vẫn đóng góp trên 10 tỷ USD vào xuất siêu cho nền kinh tế nước ta.
Năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia trên thế giới có dòng thương mại mạnh nhất. Công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, các vùng thiên tai lũ lụt, miền núi, vùng sâu vùng xa… luôn được quan tâm, nhất là trong bối cảnh thiên tai khốc liệt.
Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là một năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện của ngành. Trong khó khăn, cho thấy vai trò sống còn của ngành nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế…
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn duy trì đảm bảo cho dân số 100 triệu dân, duy trì xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt kỷ lục cao. 5 mặt hàng xuất khẩu vẫn đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, nhất là xuất khẩu gỗ đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Lúa gạo tạo ấn tượng lớn, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo có giá trị cao hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh bão chồng bão, lũ chồng lũ, Bộ NN-PTNT với vai trò là cơ quan thường trực đã góp phần hạn chế tối thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất của Bộ NN-PTNT luôn đảm bảo kịp thời, nhạy cảm, sát sao, đúng và trúng… Công nghiệp chế biến nông sản được đẩy mạnh, thu hút mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, đầu tư công nghệ cao.
Trong 5 năm qua, đã có 68 nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản đã được đầu tư. Riêng năm 2020 đã có 18 nhà máy đầu tư, đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp đều hết sức thành công, ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu, nòng cốt của mình… Công tác xây dựng nông thôn mới vượt xa mục tiêu đề ra và ngày càng đi sâu vào chất lượng, chiều sâu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn toàn ngành nông nghiệp phấn đấu làm sao để kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 44 tỷ USD trong năm 2021.
Hội nghị cũng đã nhận đươc nhiều ý kiến đóng góp và kiến nghị từ lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước và cũng đã được Bộ NN&PTNT ghi nhận.