Người dân chọn mua sản phẩm tại Hội chợ nông sản và thủ công mỹ nghệ tổ chức tại Hà Nội năm 2017. Ảnh: Lâm Nguyễn. |
Xu hướng tiêu dùng thay đổi
Theo TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, hệ thống bán lẻ thực phẩm thời gian qua đã có sự thay đổi lớn. Nếu như năm 2014, cả nước có 921 siêu thị, mini mart, cửa hàng thực phẩm tiện lợi thì đến nay con số này đã lên tới 3.354. Sự gia tăng hệ thống bán lẻ nhiều nhất là tại TP Hồ Chí Minh, tiếp đến là Hà Nội, Đà Nẵng… Đáng chú ý, người tiêu dùng cũng đang chuyển dần sử dụng sản phẩm từ các chợ truyền thống sang hệ thống bán lẻ. Thống kê của Liên minh Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người dân đi chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm đã giảm tới 35,5% so với cách đây 5 năm.
Hiện, người tiêu dùng cũng đã quan tâm nhiều hơn tới chứng nhận chất lượng nông sản. Trong đó, các chuỗi sản phẩm hữu cơ có sự giám sát chéo (PGS) được người tiêu dùng biết đến nhiều nhất (51%), tiếp đến là hệ thống quản lý chất lượng VietGAP với khoảng 32%... Tuy nhiên, người tiêu dùng lại chưa biết nhiều về tiêu chuẩn và quy trình thực hành sản xuất.
Việc áp dụng công nghệ trong các chuỗi sản phẩm đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, hệ thống hậu cần trong chuỗi giá trị cũng chưa hiệu quả khi chi phí cho logistics hiện chiếm tới 21 - 25% GDP hàng năm (cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và Singapore 300%). Sự thay đổi về xu thế tiêu dùng, chi phí sản xuất ở mức cao khiến giá trị từ chuỗi cung ứng nông sản của Việt Nam nhìn chung còn thấp.
Để không còn giải cứu nông sản
Việc phát triển chuỗi giá trị nông sản sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, gia tăng giá trị thông qua đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Qua đó giảm tối đa việc phải giải cứu nông sản, tạo thu nhập ổn định cho các hộ sản xuất.
Để thực hiện được mục tiêu trên, TS Đào Thế Anh cho rằng: Cần thúc đẩy quan hệ liên kết DN - HTX, các mối quan hệ hợp tác công tư, chuyển giao công nghệ. Xây dựng tiêu chuẩn, thương hiệu và hệ thống dịch vụ chứng nhận chất lượng ATTP. Nhưng cốt lõi là cần áp dụng công nghệ quản trị hiện đại như truy xuất nguồn gốc vào quản lý chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu thất bại của thị trường cạnh tranh hiện nay.
Cho rằng người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn có sự hoài nghi đối với các mặt hàng nông sản an toàn, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR kiến nghị, cần minh bạch hóa chuỗi cung ứng thông qua công nghệ 4.0, với nhiệm vụ trước tiên là nâng cao nhận thức của người nông dân.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc đang ngày càng trở nên quan trọng trong quản trị thương hiệu. Cũng theo bà Minh, hiện nay công nghệ Blockchain đang được áp dụng rất rộng rãi trên thế giới. Lợi thế của Blcokchain là đáng tin cậy, minh bạch, bền vững, đặc biệt là giá thành không quá cao. Ngoài công nghệ Blockchain, mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong chuỗi cung ứng nông sản cũng đang rất phổ biến. Đây là những giải pháp quản trị hiện đại nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản.