Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vừa gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ các giấy phép con không cần thiết để tránh tình trạng tạo ra cơ chế xin cho, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.
Cụ thể, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo NHNN và Bộ Tư pháp xem xét lại, không nên coi việc DN vay vàng của các tổ chức, cá nhân làm vàng nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh vàng khác để áp đặt DN phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước.
Hiệp hội vàng kiến nghị cần bỏ "giấy phép con". |
Theo Hiệp hội, hoạt động kinh doanh vàng khác bao gồm kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn vàng, giao dịch vàng phái sinh (giao dịch vàng kỳ hạn, giao dịch vàng quyền chọn, giao dịch vàng tương lai), quỹ đầu tư vàng...
Cũng tại văn bản này, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị bãi bỏ quy định doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 33/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, thực tế trong hơn 4 năm qua chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị không cần xin phép kinh doanh vàng miếng đối với các chi nhánh/địa điểm kinh doanh trực thuộc công ty, kể cả thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng.
Đại diện Hiệp hội lý giải, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 không quy định về điều kiện huy động vàng đối với các doanh nghiệp. Hơn nữa, Thông tư 11/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ quy định chấm dứt huy động vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Do đó, hoạt động huy động vàng của các doanh nghiệp được điều chỉnh theo quy định tại Luật đầu tư 2014, Luật doanh nghiệp 2014 và Bộ luật dân sự 2005.
Theo quy định tại Luật đầu tư 2014, việc doanh nghiệp vay vàng của các tổ chức, cá nhân không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, hoạt động này cũng không thuộc hoạt động kinh doanh vàng khác quy định tại Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ.
“Bởi các doanh nghiệp chỉ vay vàng để làm nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và trả lãi cho người gửi, chứ doanh nghiệp không cho vay lại, không thu phí giữ hộ. Như vậy, hoạt động vay vàng của doanh nghiệp chỉ là một công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh vàng trang sức và nó không phát sinh lợi nhuận.
Do vậy, hoạt động này không thể được coi như hoạt động kinh doanh vàng khác theo quy định của Nghị định 24/NĐ-CP.
Ngoài ra, theo phản ánh của các DN, hiện nay địa điểm để kinh doanh đa số là phải đi thuê (ví dụ: các TTTM - PV). Do vậy, việc thay đổi địa điểm kinh doanh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng, thì các DN phải xin phép NHNN, như vậy sẽ làm mất thời gian, chi phí và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các DN.
Theo đó, khi một DN đã được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng thì đề nghị NHNN cho phép tất cả các chi nhánh/địa điểm kinh doanh trực thuộc không phải xin phép nữa mà chỉ cần làm Thông báo tăng mạng lưới mua bán vàng miếng theo nội dung thông tư 16/2012/TT-NHNN. Vì đây là hoạt động đã được NHNN cấp giấy phép, nay do DN phải thay đổi địa điểm kinh doanh nên không cần tiếp tục xin giấy phép cho hoạt động đã được cấp phép.
Muốn “cứu” cũng khó….
Với đề xuất doanh nghiệp được nhập vàng nêu trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng cho rằng: “Cho đến bây giờ, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất được nhập khẩu vàng nhằm mục tiêu chống vàng hóa. Vì vậy để doanh nghiệp nhập vàng cần có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước. Còn theo cá nhân tôi, tại thời điểm này, nên tiếp tục duy trì quy định chỉ có Ngân hàng Nhà nước được nhập khẩu để hỗ trợ chủ trương chống vàng hóa đang có hiệu quả tốt”.
Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico nhận định, đây là câu chuyện phức tạp về mặt pháp lý. Theo quy định của Luật Đầu tư thì đây không phải là hoạt động bị cấm, không phải ngành nghề có điều kiện, nhưng theo Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ thì yêu cầu có điều kiện, thậm chí là điều kiện chặt chẽ nhất, cụ thể là phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
“Theo logic bây giờ thì Nghị định 24/NĐ-CP không có giá trị nữa vì hoạt động này không nằm trong danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Như vậy, trong trường hợp muốn quản lý, muốn rõ ràng thì phải sửa Luật Đầu tư, còn không sẽ không có cơ sở pháp lý để nói rằng cấm hay hạn chế đối với doanh nghiệp. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các quan điểm thống nhất thực hiện theo Luật Đầu tư nhằm gỡ bỏ các giấy phép con, những điều kiện không cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Trương Thanh Đức chỉ rõ.
Cũng theo vị luật sư này, trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh vàng vay vàng từ các tổ chức, cá nhân cũng sẽ không có tác động gì lớn tới thị trường. “Các ngân hàng huy động rất lớn mới ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ, còn đối với doanh nghiệp thì không khác gì câu chuyện vay gạo, vay tiền giữa cá nhân với nhau. Tuy nhiên, cũng phải cảnh báo với người dân và doanh nghiệp là những hoạt động này dễ gặp rủi ro giống như các doanh nghiệp vay tiền của dân nhưng phá sản, không thanh toán được”, ông Đức nói.