Sự kiện có sự tham gia của đông đảo các nhà báo, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp. Ảnh: Hà Thế An. |
Buổi tọa đàm do sở KHCN TP.HCM tổ chức, với các nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo và kinh doanh công nghệ, và 20 nhà báo.
Báo chí và khoa học công nghệ “quay lưng” nhau
Theo khảo sát của Sở KHCN TP.HCM, hiện Việt Nam có 9,3% số doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới về Khoa học Công nghệ. Đó là con số quá nhỏ bé. Tuy nhiên điều đáng quan tâm hơn là tại sao con số lại nhỏ bé, tại sao doanh nghiệp Việt Nam lại không có nhiều nhu cầu về chuyển giao công nghệ?
Giám đốc Sở KHCN TP.HCM, ông Nguyễn Khắc Thanh cho rằng đây là hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có phần nguyên nhân chưa phát huy hết vai trò của truyền thông.
Thực tế có nhiều nhà báo không hiểu về khoa học công nghệ. Nhà Báo Lương Bích Ngọc chia sẻ “ngay cả những nhà báo có kinh nghiệm lâu năm như tôi cũng mơ hồ về khái niệm Thị trường khoa học công nghệ”.
Nhận xét chung của đại biểu tham dự là báo chí viết về thị trường khoa học công nghệ rất khô khan, nhàm chán. Người viết không viết những vấn đề mà người đọc muốn biết. Các bài báo thường nêu lên những đặc tính, khái niệm thay vì viết những gì mà người đọc muốn biết như công dụng lợi ích sáng kiến khoa học công nghệ đó mang lại.
Nhà báo Đặng Vỹ đại diện tạp chí Nhà quản lý cho rằng nguyên nhân thứ nhất là do phóng viên sợ tìm hiểu những mảng có chuyên môn cao. Tiêu biểu như trường hợp các sinh viên báo chí khi xin thực tập, họ thường chọn những mảng dễ viết đơn giản như xã hội, giải trí, làm đẹp… thay vì chọn những mảng khó như bất động sản, chứng khoán, kinh doanh hay khoa học công nghệ… Nguyên nhân thứ hai là phía các nhà khoa học. Nhà khoa học thì chỉ đam mê với lĩnh vực mình nghiên cứu, chứ không mấy quan tâm đến truyền thông. Thậm chí nhà khoa học có ý niệm, lĩnh vực mình nghiên cứu không áp dụng rộng rãi, nên cũng chẳng cần nghĩ đến truyền thông rộng rãi.
Theo nhà báo này, dù người phóng viên viết những mảng khô khốc tuy nhiên người viết cần làm sao để bài báo của mình hướng đến cuộc sống, mang lại những lợi ích thiết thực cho người đọc .
Làm sao để người đọc quan tâm đến những bài báo về khoa học công nghệ?
Truyền thông đóng một vai trò không nhỏ trong việc phát triển thị trường khoa học công nghệ. Mang những ứng dụng về khoa học công nghệ mới nhất đến người sử dụng. Tuy nhiên làm sao để người dùng quan tâm đọc các bài báo về khoa học công nghệ thì nhà báo Quốc Khanh báo Tuổi trẻ chia sẻ, nhà khoa học, đơn vị trung gian cần hướng đến chia sẻ thông tin mang tính dân sinh, về những sản phẩm hay lĩnh vực phục vụ nhu cầu cộng đồng rộng rãi, thậm chí thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ việc sử dụng thành quả khoa học công nghệ.
Vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Nhà báo Quốc Thanh cho rằng, Nhà nước cần nâng cao vai trò hỗ trợ kích thích đầu ra cho các sản phẩm sáng kiến ứng dụng khoa học công nghệ. Cần có một đơn vị trung gian để chọn một đối tượng từ đó tập trung vào đối tượng đó để khai thác một cách có hiệu quả hơn.
Nhà báo này cũng cho rằng, Nhà nước cần đặt ra các cơ chế vững chắc cho những người làm báo khi họ làm truyền thông. Để từ đó họ truyền thông ra xã hội những sản phẩm tốt đến với người dùng.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho rằng, để truyền thông hỗ trợ cho khoa học công nghệ tốt hơn, hiệu quả hơn, các nhà báo cần giúp các cơ quan nhà nước tuyên truyền phổ biến các quy định mới đên người dân.
Thứ hai nhà báo cần quan tâm đến nhu cầu của doanh nghiệp, mỗi nhà báo là một sợ dây nối giữa doanh nghiệp với Sở Khoa học Công nghệ, để Sở nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp có hướng nghiên cứu giải quyết đáp ứng kịp thời nhưng nhu cầu mà doanh nghiệp cần.
Phó Giám đốc nhận định, sắp tới Việt Nam sẽ tham gia vào hội nhập hợp tác song phương lẫn đa phương với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, các doanh nghiệp chậm ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng doanh nghiệp thì họ dễ bị đánh bại bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Tính đến hết năm 2015 Việt Nam có 2.800 doanh nghiệp trong lĩnh vực Khoa học Công có 8 sàn giao dịch công nghệ, 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở 63 tỉnh thành phố, 43 vườn ươm công nghệ và khoa học công nghệ. Con số này được các đại biểu đánh giá là khá khiêm tốn, nếu không nói là còn ít ỏi, nghèo nàn. |