Để cho các thương hiệu của Hà Nội bay xa, bay cao
Giờ đây, người nông dân Hợp tác xã Nông nghiệp Chu Quyến có quyền sử dụng địa danh “Ba Vì” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Ba Vì” cho sản phẩm rau ở huyện Ba Vì, TP Hà Nội.
Hợp tác xã Nông nghiệp Xuân Phú được sử dụng địa danh “Xuân Phú” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Xuân Phú” cho các sản phẩm rau ở xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội.
Ngoài ra Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn Phúc Thọ sử dụng địa danh “Phúc Thọ” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Phúc Thọ” cho các sản phẩm từ thịt lợn an toàn của huyện.
Thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh có quyền tự hào khi “Rau an toàn Đông Cao” và “Bưởi đỏ Đông Cao” được đăng ký nhãn hiệu tập thể để giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.
Người Thanh Oai từ nay yên tâm khi “Gạo Đỗ Động” và “Giò chả Ước Lễ” sau khi đăng ký nhãn hiệu tập thể Luật Sở hữu trí tuệ sẽ có cơ hội tiêu thụ nhiều hơn trong thời gian tới. Đã nhiều năm nay, các sản phẩm giò chả, nem chua, bánh chưng, bánh dày, bánh cuốn ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, đã vươn ra khỏi tầm biên giới, giờ đây lại càng có cơ hội đi khắp năm châu.
Tương tự sản phẩm “Khoai tây Hương Ngải” của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất) tham gia vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để khai thác hiệu quả lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Giống khoai của Đức, chất lượng cao, vỏ và ruột vàng, thời gian sinh trưởng 80 - 90 ngày, năng suất đạt 18 - 23 tấn/ha được trồng tại 12ha của xã cả hai vụ đông và xuân đang mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho bà con nông dân.
Không chỉ các sản phẩm nông nghiệp, UBND TP Hà Nội cho phép Hội Nông dân xã Cao Dương sử dụng địa danh “Áng Phao” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mộc Áng Phao” cho các sản phẩm mộc ở thôn Áng Phao, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.
Năm ngoái, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tham mưu UBND TP Hà Nội đã cho phép sử dụng 14 địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và 1 địa danh đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Sở cũng đã tư vấn, hướng dẫn được 31 tổ chức, cá nhân hoàn thành thủ tục bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (25 đơn nhãn hiệu, 6 đơn sáng chế, 1 đơn giải pháp hữu ích và 8 đơn kiểu dáng công nghiệp).
Việc bảo hộ nhãn hiệu là sự ghi nhận chính thức của Nhà nước về quyền sở hữu độc quyền của tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu, từ đó có cơ chế tương ứng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu. Giờ đây chỉ cần xây dựng bộ công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể: Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể; tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm; quy định sử dụng tem nhãn là các HTX, địa phương hoàn toàn yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Đây là những việc mà các HTX, các địa phương gặp nhiều khó khăn bởi có khá nhiều thủ tục pháp lý khá phức tạp, không phải ai cũng có thể nắm được. Bản thân người dân tại các địa phương đang sở hữu các nhãn hiệu tập thể cũng rất mong được các cơ quan báo chí, truyền thông quảng bá các thương hiệu sản phẩm nổi tiếng của Hà Nội.