Xây dựng ĐĐKD phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đặc thù của DN, có trách nhiệm với xã hội chính là góp phần xây dựng văn hóa DN (VHDN), tạo nên sự phát triển ổn định và bền vững cho mỗi DN.
Nền tảng cho sự tin tưởng của khách hàng
Thực tế tại các DN tên tuổi hiện nay, ĐĐKD chính là yếu tố nền tảng cho sự tin tưởng của khách hàng đối với DN cũng như tăng cường sự trung thành của nhân viên, điều chỉnh hành vi của doanh nhân, nâng cao hình ảnh DN và từ đó nâng cao lợi nhuận. Vì vậy, muốn đạt được thành công bền vững, các DN phải xây dựng được nền tảng ĐĐKD cho DN mình.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm về Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tháng 5/2019. Ảnh: Phạm Hùng |
Câu chuyện ĐĐKD là thực hành đạo đức trong kinh doanh. Dù mang tính chuyên ngành của kinh doanh nhưng vẫn bắt nguồn từ đạo đức dân tộc, văn hóa dân tộc. Theo PGS.TS Đỗ Minh Cương – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, ĐĐKD là nền tảng, tài sản quý giá của doanh nhân, DN, là điều kiện phát triển nhân cách trong kinh doanh và kinh doanh bền vững.
Ông Cương nêu ví dụ, Tập đoàn Viettel có được thành công như hiện nay bởi họ luôn xác định 8 giá trị cốt lõi. Hay như Tập đoàn Vingroup tuyên bố giá trị cốt lõi là tín, tâm, tốc... Ông Cương cho rằng, bản thân doanh nhân cần cả đạo đức và văn hóa để xây dựng DN, trong đó có tiêu chuẩn về thượng tôn pháp luật.
"Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Việt Nam tham gia nhiều FTA, chắc chắn DN phải cạnh tranh khốc liệt. Đó vừa là sức ép, vừa là cơ hội để DN vươn ra thị trường quốc tế, giữ vững thương hiệu trên thị trường. Trong đó, yếu tố VHDN là giá trị cốt lõi, tạo niềm tin xã hội, với cán bộ nhân viên, đặc biệt tạo ra sự trường tồn của đội ngũ DN, doanh nhân trên địa bàn TP và đất nước. Cuộc vận động xây dựng VHDN Việt Nam ngày càng sâu rộng, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế." - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn |
Hiện nay, các DN Việt Nam đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ bằng nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm mà còn bằng uy tín, thương hiệu và ĐĐKD.
Tuy nhiên, các DN dường như vẫn chưa chú ý đến sự cần thiết và tất yếu của ĐĐKD. Với mong muốn đạt được lợi nhuận trong thời gian càng sớm càng tốt, không ít DN làm ăn theo kiểu “chộp giật”, “ăn xổi”, dẫn tới hiện tượng làm hàng giả khá phổ biến trên thị trường. Đã có không ít DN vì lợi nhuận mà bất chấp, đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế lấy ví dụ, việc tem mác sản phẩm “Made in China” bị gắn mác “Made in Vietnam” khiến lòng tin của người tiêu dùng bị phản bội. Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển và Chuyển giao công nghệ Trần Minh Nguyễn Thị Tuyết Nhung cũng thẳng thắn chia sẻ, hành vi phi ĐĐKD gây nhức nhối chính là vấn nạn hàng giả.
Đơn cử, Công ty Trần Minh mua công nghệ mới của Hàn Quốc để sản xuất mỹ phẩm nhưng về Việt Nam chưa được một tháng đã có hàng nhái, xuất phát từ Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề, DN buộc phải liên hệ với công ty mẹ để nghiên cứu sản phẩm độc quyền gắn với xây dựng hệ thống nhận diện với các loại mã vạch công nghệ cao.
Điểm sáng trong gam màu tối
Là một DN khá thành công trên thương trường trong và ngoài nước, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn FPT Bùi Nguyễn Phương Châu thông tin, trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, hiện tổng doanh thu của Tập đoàn FPT hơn 1 tỷ USD, (không tính khối bán lẻ).
Từ 13 thành viên ban đầu, đến nay tổng nhân sự của FPT lên tới trên 36.000 người. Để có kết quả đó, FPT đã dày công xây dựng và duy trì VHDN trên cơ sở các thành tố:
Thứ nhất, văn hóa FPT được xác lập ngay từ khi thành lập, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Tập đoàn. Trong đó, sứ mệnh của Tập đoàn đã được Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình đưa ra ngay từ ngày đầu thành lập, đó là: FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên điều kiện phát triển tài năng tốt nhất, một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.
Thứ hai, văn hóa FPT được đúc kết thành hệ thống giá trị cốt lõi. Trong đó đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên phải tuân thủ, gìn giữ, phát huy và liên tục đưa vào thực tiễn các giá trị này.
Từ thực tế của DN mình, Tổng Giám đốc Công ty CP Hồng Lam Nguyễn Hồng Lam cũng chia sẻ những bí quyết để thương hiệu ô mai Hồng Lam phát triển mạnh mẽ trên thị trường. Thành công của DN nhờ đã công nghệ hóa, công nghiệp hóa và truyền thông hóa một sản phẩm cổ truyền. Bí quyết của Hồng Lam chính là thân thiện trong việc sử dụng nguyên liệu, thân thiện với môi trường tự nhiên, không thu mua hoa quả trôi nổi...
Đồng thời, thân thiện với nhân viên, với khách hàng. “Sản phẩm của Hồng Lam là tinh hoa đất trời, tinh hoa chế biến. Bản thân tôi dành cả một khoảng thời gian dài ở cửa hàng, theo dõi từng cử chỉ của các vị khách từ khi bước vào cửa, đến khi nếm thử sản phẩm của Hồng Lam, để lắng nghe những ý kiến của họ dù là nhỏ nhất" - ông Hồng Lam cho biết.
Chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực tư vấn giải pháp về chiến lược marketing và thương hiệu tại Việt Nam Lại Tiến Mạnh - General Manager của MiBrand (đại diện của Brand Finance tại Việt Nam) lại chia sẻ câu chuyện về ĐĐKD, bài học từ các thương hiệu lớn. Dẫn chứng từ câu chuyện về giày Nike và mỹ phẩm The Body shop; gian lận khí thải của Wonwagen, ông khẳng định ĐĐKD chính là giá trị cốt lõi để xây dựng, giữ gìn giá trị thương hiệu DN.
Nhân viên y tế của Vinamilk khám tư vấn cho trẻ em tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hùng |
Trong bức tranh đầy gam màu xám của những “ông lớn” DN trên thế giới vẫn có điểm sáng. Đơn cử ngay câu chuyện một DN lớn ở Việt Nam là Honda không thưởng Tết cho công nhân vì sợ công nhân sẽ chi tiêu hoang phí, thậm chí mải chơi bỏ việc.
Bù lại, công ty thưởng vào tháng 5 vì muốn công nhân giữ được tiền. Sự tinh tế của người Nhật muốn điều tốt đẹp cho nhân viên của họ, biến thành chính sách của công ty. Và chính sách này đã được nhân viên đồng tình.
Từ những câu chuyện thực tế trên cho thấy, ĐĐKD thể hiện ở 4 cấp độ hành xử của DN: Trách nhiệm với xã hội, môi trường; Ứng xử với nhân viên, đối tác; Ứng xử với khách hàng; Tuân thủ pháp luật. DN nào xây dựng được ĐĐKD, kiên trì thực hiện thì đến thành công và phát triển.
ĐĐKD chính là linh hồn của DN, quyết định sự phát triển bền vững của các DN, doanh nhân. Chính vì ý nghĩa quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai Cuộc vận động xây dựng VHDN Việt Nam nhằm khơi gợi, cổ vũ, khuyến khích xây dựng và lan tỏa nét đẹp văn hóa, đạo đức DN tới đội ngũ DN, doanh nhân, cộng đồng và xã hội.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội Mạc Quốc Anh: 6 giải pháp xây dựng đạo đức kinh doanh Đạo đức kinh doanh (ĐĐKD) chính là trụ cột của VHDN, là điều kiện để DN phát triển ổn định và bền vững. Để DNVVN phát triển góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước đi lên, cần tập trung vào 6 giải pháp xây dựng ĐĐKD. Thứ nhất, nâng cao nhận thức về giáo dục ĐĐKD trong DNNVV. Thứ hai, hoàn thiện thể chế về giáo dục ĐĐKD trong DNNVV. Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức hiệp hội trong giáo dục ĐĐKD trong DNNVV. Thứ tư, triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn về giáo dục ĐĐKD trong DNNVV. Thứ năm, xây dựng VHDN kết hợp với phát huy vai trò của giới chủ DN. Thứ sáu, đảm bảo các điều kiện và nguồn lực cho giáo dục ĐĐKD trong DNNVV. Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm Việt Nam (VAF) Trần Thị Thu Hằng: Trách nhiệm với cộng đồng là hạnh phúc VHDN của VAF không chỉ làm hình thức mà DN đã tổ chức đào tạo kỹ năng cho mỗi cán bộ, nhân viên... Chúng tôi luôn chia sẻ mục tiêu của công ty với nhân viên. Đó là sản phẩm và dịch vụ của công ty phải luôn hướng tới sự phát triển bền vững, thường xuyên liên hệ và xây dựng mối liên kết chặt chẽ với người sản xuất trên quan điểm tất cả cùng có lợi. Với mục tiêu chất lượng sản phẩm luôn hướng tới sức khỏe người tiêu dùng, DN sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với các trang trại, vùng sản xuất nông sản (có thể mua giá cao hơn thị trường khi sản phẩm của họ sản xuất theo yêu cầu của công ty về ATTP, chấp nhận rủi ro khi đặt hàng sản xuất mà không bán được...). Nghĩa là, lời nói và hành động luôn đi đôi với nhau, để nhân viên, nhà sản xuất, khách hàng... cảm nhận được điều đó. Từ đó, mọi người sẽ yên tâm và luôn ủng hộ DN. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Quang Thắng: Rõ trách nhiệm từng người VHDN vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển bền vững. Ngoài mục tiêu mang lại lợi nhuận cho DN, cũng đem lại lợi ích cho các thành viên. Khi xây dựng VHDN, mỗi đơn vị có đặt mục tiêu, cách thức thực hiện khác nhau. Những DN thành đạt thường xây dựng được nền, hệ thống, quy định xác định các hành vi từ người thấp nhất đến cao nhất đều rõ trách nhiệm. Đơn cử như tuân thủ quy định hợp đồng kinh tế với khách hàng, chấp hành pháp luật về thuế, môi trường, đóng góp về các quỹ an sinh xã hội… Có nghĩa VHDN phải xác định được cách thức ứng xử trong tổng thể môi trường phát triển bền vững. VHDN thể hiện sự mong mỏi của người đứng đầu và cộng đồng trách nhiệm của các thành viên, tạo dựng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNACB), NSND Vũ Ngoạn Hợp: Văn hóa mở để mọi người cống hiến Mỗi DN xây dựng một văn hóa nền tảng căn cứ trên bản chất của VHDN là định vị sự phát triển trong quản lý, từ sản phẩm đến con người và đóng góp xã hội. Những DN đang phát triển rất tốt như hiện nay đều có triết lý riêng của mình, đơn cử như Vingroup là xã hội học tập, FPT là văn hóa mở để mọi người được cống hiến… VHDN sẽ tác động đến văn hóa quản lý. Có những DN làm ra sản phẩm tốt, có những DN làm ra sản phẩm chưa tốt đưa ra thị trường tiêu thụ, đến người dân còn biết chứ nói gì đến các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, tại sao vẫn có hiện tượng đó xảy ra trên thị trường, điều đó chính là VHDN tác động đến văn hóa quản lý. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Lê Hiền: Nguồn lực quý giá nhất là con người DOJI quan niệm xây dựng văn hóa DN là điều vô cùng quan trọng. Với tuyên ngôn thương hiệu là “luôn tỏa sáng”, Tập đoàn DOJI luôn coi nguồn lực quý giá nhất không phải là tài chính, máy móc công nghệ hay các dự án bất động sản tiềm năng, mà đó chính là nguồn lực con người. Chúng tôi đã tạo cho người lao động một môi trường làm việc tin tưởng, ấm áp và yên tâm. Môi trường ấy không chỉ áp dụng đối với các thành viên trong công ty mà còn phải hướng ra ngoài xã hội. Hướng tới xã hội không chỉ thuần túy tới bạn hàng, tới thị trường mà phải hướng tới một khái niệm rộng lớn hơn, trên bình diện xã hội. Văn hóa DOJI mang đậm bản sắc với 5 giá trị cốt lõi: Liêm chính – Sáng tạo – Hợp lực – Tri thức – Nhân ái. Những giá trị này chắt lọc trong quản trị DN và sản xuất kinh doanh, được phát triển và gìn giữ trong suốt một phần tư thế kỷ qua. 5 yếu tố này cũng là nền tảng cơ bản, giúp cho thương hiệu vàng DOJI sẽ tiếp tục được cất cánh, chữ tín DN được nâng lên tầm cao mới. |