"Tôi tin vào việc sẽ trở thành công ty logistics tốt nhất châu Á. Tôi không muốn nói là số một, vì bạn có thể là công ty số một nhưng chưa chắc đã là tốt nhất”, doanh nhân Đặng Thị Minh Phương chia sẻ trong chương trình Managing Asia của kênh CNBC.
Thủ tục hải quan kéo dài, cơ sở hạ tầng giao thông kém phát triển và cạnh tranh khốc liệt đặt ngành công nghiệp logistics Việt Nam dưới một cuộc thử nghiệm. Dù vậy, bà Đặng Thị Minh Phương không hề bối rối. Với bà, thách thức này mở ra cơ hội độc nhất.
Bà Phương kỳ vọng đưa MP Logistics bay lên trong 5 năm tới với nhiều kế hoạch mở rộng trong khu vực và xa hơn nữa.
“Với logistics, bạn có thể vươn ra toàn cầu. Tôi muốn có các trụ sở đặt trên khắp thế giới, không chỉ ở Việt Nam”, Chủ tịch kiêm CEO MP Logistics cho hay.
Bà Minh Phương - CEO MP Logistics. (Ảnh: Vnexpress) |
“Làm nữ doanh nhân không dễ…”
Thị trường Đông Nam Á đặc biệt hấp dẫn bà Phương - người chỉ ra rằng sức tăng trưởng kinh tế bền bỉ và sự gần gũi về văn hóa là hai yếu tố giúp các nước láng giềng Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng cho MP Logistics . “Thị trường đầu tiên tôi muốn mở rộng kinh doanh là Myanmar. Bên cạnh đó, Philippines và những nước khác như Campuchia, Thái Lan hiện cũng có tốc độ tăng trưởng ổn định”, bà Phương cho biết.
Mong muốn của bà Phương hiện tại là thị trường Việt Nam có thể cải thiện tính minh bạch. Trong quá trình hiện đại hóa, bà kỳ vọng Chính phủ sẽ có kế hoạch đơn giản thủ tục kinh doanh và hỗ trợ cởi mở môi trường hoạt động cho doanh nghiệp.
Một vấn đề khác là ở Việt Nam, làm nữ doanh nhân không hề đơn giản. "Mọi người luôn nghĩ là phụ nữ thì nên làm mẹ, làm vợ. Khi chúng tôi bước ra ngoài làm kinh doanh, chúng tôi khó có thể chu toàn tất cả vai trò đó. Tôi cho rằng nếu cứ tiếp tục làm nội trợ, tôi sẽ không thể thành công như ngày nay", bà nói.
Nhắc đến cách lãnh đạo nhân sự, bà Phương nói: “Khi bạn tin tưởng ai đó, họ sẽ tin tưởng bạn. Tôi nghĩ đó là động lực mang tất cả mọi người ở MP Logistics lại với nhau, và họ vẫn làm việc với tôi đến hôm nay”. Bà thừa nhận rằng có thể mình không phải là người chủ tốt nhất, nhưng bà luôn sẵn sàng lắng nghe, thảo luận vấn đề với đồng nghiệp và điều này khiến mọi người vui vẻ khi làm việc tại công ty.
"Bạn biết không, một số nhân viên của tôi còn lấy Minh Phương làm tên đệm cho con họ. Điều này khiến tôi rất tự hào, rằng tôi đã nhận được sự tôn trọng và tin tưởng của người khác. Tôi cho rằng đó chính là thành công đấy", bà kết luận.
Cạnh tranh sẽ là lợi thế…
Số hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết sẽ hỗ trợ đắc lực cho chiến lược của bà Phương. Ngoài ra còn có Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bà Phương cho rằng với TPP, nhiều nhà đầu tư sẽ đến Việt Nam hơn, và công ty có thể nhờ đó phát triển. Với các FTA này, công ty có thể tăng trưởng 40% năm tới.
Dẫu vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn. Theo ước tính của bà Phương, ngoài MP Logistics còn rất nhiều cái tên khác đang kiếm lời từ sức tăng trưởng tại Đông Nam Á. Riêng tại Việt Nam có khoảng 1.200 công ty logistics, trong đó có 30 là doanh nghiệp nước ngoài.
"Vì là công ty Việt Nam hoàn toàn, chúng tôi hiểu rõ văn hóa, phong tục, thói quen của người Việt. Do đó, chúng tôi có thể đưa ra những giải pháp phù hợp nhất cho khách hàng", bà Phương khẳng định những lợi thế của mình so với các doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, bà cũng tin rằng cạnh tranh sẽ giúp công ty ngày càng hoạt động tốt hơn, chuẩn bị sẵn sàng tiến ra sân chơi ở các thị trường khác và thậm chí là toàn cầu. "Chúng tôi sẽ được nhiều hơn là mất", bà đánh giá.