Tham dự Đại hội có ông Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện các cơ quan ban ngành, hơn 200 hội viên và các cơ quan thông tấn báo chí.
Hiệp hội Nước mắm Việt Nam được thành lập theo Quyết định 610/QĐ-BNV số ngày 3/9/2020 của Bộ Nội vụ. Đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân cùng đồng lòng nuôi, xây dựng và quảng bá văn hóa ẩm thực nước mắm của người Việt.
Đại diện Bộ Nội vụ trao quyết định thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam.
Các hoạt động của Hiệp hội sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản lượng nước mắm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm và thị hiếu người dùng; đồng thời bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển sản xuất...
Thông qua Hiệp hội, các thành viên sẽ kế thừa và phát triển tinh hoa lâu đời của nghề sản xuất nước mắm, kết hợp với khoa học kỹ thuật hiện đại, thúc đẩy nước mắm Việt Nam được công nhận vị trí số 1 toàn cầu.
Hiệp hội hoạt động với mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau nâng cao hiệu quả lao động giá trị, chất lượng nước mắm, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm bảo tồn ngành và tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng nước mắm Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại Chương trình Đại hội, đã diễn ra lễ công bố quyết định thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Điều lệ hoạt động, thông qua chương trình, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội cũng đã bầu ra Ban chấp hành Hiệp hội với 21 thành viên và Ban kiểm tra với 5 thành viên.
Ban Chấp hành Hiệp hội Nước mắm Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt Đại hội.
Các hội viên sáng lập của Hiệp hội Nước mắm Việt Nam hoạt động trên toàn quốc, có thành phần đại diện đầy đủ từ nhà sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nước mắm, nhà khoa học, quản lý, kiểm nghiệm nước mắm. Doanh số và sản lượng kinh doanh nước mắm của các hội viên sáng lập của Hiệp hội chiếm khoảng 70% doanh số và sản lượng của toàn ngành nước mắm Việt Nam.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT chia sẻ, nước mắm của Việt Nam là loại thực phẩm khá đặc trưng. Hiện nay trên toàn quốc có 783 cơ sở sản xuất nước mắm có đăng ký sản xuất, kinh doanh và gần 1.500 hộ gia đình tham gia chế biến nước mắm.
Tuy nhiên, mới chỉ có 35 cơ sở chế biến nước mắm tham gia xuất khẩu sang hơn 20 thị trường (chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…).
Do đó Hiệp hội cần tập trung tháo gỡ nút thắt về công nghệ chế biến, để sản phẩm nước mắm đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các quốc gia nhập khẩu, đưa sản phẩm nước mắm của Việt Nam chinh phục thế giới.
Hiệp hội Nước mắm Việt Nam ủng hộ 1 tỷ đồng giúp nhân dân miền Trung vượt qua khó khăn do mưa lũ gây ra.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu hải sản khai thác của Việt Nam ngày càng khan hiếm, Bộ NN-PTNT đề nghị Hiệp hội cùng đồng hành để xây dựng chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2025, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt là phát triển chiến lược nuôi biển để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.
Năm 2019, cả nước đã hình thành được 43 chuỗi sản phẩm tiêu thụ nước mắm an toàn. Tổng giá trị ngành nước mắm đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/năm. Tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 13%.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, quy định pháp luật hiện nay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nước mắm là khá đầy đủ. Trong suốt thời gian dài qua, các tổ chức, DN, hộ gia đình, cá nhân tham gia ngành nghề nước mắm đều đã tuân thủ, thường xuyên đổi mới sản xuất để đáp ứng các yêu cầu phát triển, cũng như thị hiếu tiêu dùng.
Dù đang có bước phát triển tích cực, tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, tốc độ đổi mới công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nước mắm hiện còn chậm. Đây là vấn đề đặt ra, cũng là đòi hỏi cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho nước mắm Việt Nam. “Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành và Hiệp hội sẽ tiếp tục rà soát, ban hành các quy chuẩn bảo đảm những yêu cầu sản xuất đặt ra”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.