Doanh nghiệp mạnh tay phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi
Trước đây, khi muốn mua những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như nước xả vải, dầu ăn, mỳ tôm, gạo… người tiêu dùng thường phải đến hệ thống siêu thị, chợ truyền thống. Nhưng hiện nay, nhiều người đã tìm đến các cửa hàng tiện lợi, tạp hóa để mua sắm.
Là người thường xuyên mua hàng tại siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, chị Bùi Phương Hà ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) cho biết, sau khi tham khảo và so sánh giá cả, chất lượng hàng giữa cửa hàng tiện lợi với thị trường, tôi thấy giá hàng trong cửa hàng tiện lợi tương đương thị trường bên ngoài. Quan trọng hơn là chất lượng, nguồn gốc hàng hóa luôn được cửa hàng bảo đảm, rõ ràng không mua phải hàng giả, hàng nhái nhãn mác. Cửa hàng phục vụ đến hơn 22 giờ mới đóng cửa nên rất thuận tiện mua sắm hàng hóa cần thiết.
Người tiêu dùng mua sắm hàng tiêu dùng tại cửa hàng tiện lợi Winmart. Ảnh: Hoài Nam
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại…) mới chỉ chiếm được hơn 22% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Còn lại phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về hệ thống chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, đại lý bán lẻ... chiếm đến 78% thị phần trong cơ cấu bán lẻ của hàng Việt Nam.
Nhằm khai thác thị trường này các công ty, tập đoàn bán lẻ quy mô lớn của Việt Nam như Co.op Mart, Satra Foods, Vinmart+…đang đầu tư khai thác.
Thông tin từ Công ty WinCommerce ( Doanh nghiệp quản lý khai thác hệ thống siêu thị Win Mart) cho thấy, với mục tiêu phục vụ gần 65 triệu dân số khu vực nông thôn, từ đầu năm 2025 đến nay doanh nghiệp đã đưa vào hoạt động thêm 184 cửa hàng tiện lợi WinMart+, nâng tổng số điểm bán trên toàn quốc lên 4.000 cửa hàng.
Theo Giám đốc WinCommerce Nguyễn Thị Phương, mô hình WinMart+ Rural (cửa hàng mini-mart) được WinCommerce phát triển qua đó khai thác tiềm năng tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, nơi hệ thống mua sắm hiện đại chưa được đáp ứng đầy đủ. Thời gian tới trong chiến lược kinh doanh của WinCommerce sẽ mở rộng hệ thống cửa hàng tự chọn theo hướng mỗi quận/huyện sẽ có ít nhất một siêu thị WinMart; Mỗi xã/phường có một cửa hàng mini-mart, và mỗi thôn, tổ dân phố sẽ có một điểm bán WiN+. “VinCommerce đặt mục tiêu hệ thống sẽ sở hữu 10.000 cửa hàng VinMart khắp các tỉnh thành trong cả nước. Qua đó phục vụ đầy đủ các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân, từ mua sắm tích trữ đến mua nhanh gần nhà”- bà Phương khẳng định.
Không chịu thua kém, năm 2015 Công ty CP Đầu tư Thế giới di động cũng đã đầu tư hệ thống siêu thị cửa hàng tiện lợi Bách hóa xanh trên toàn quốc, riêng trong quý I/2025, Bách Hóa Xanh đã mở 94 cửa hàng mới qua đó đưa hệ thống của hàng tự chọn lên đến1.849 cửa hàng trên cả nước.
Theo Giám đốc Tài chính của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động Vũ Đăng Linh, hệ thống cửa hàng tiện lợi đóng góp hơn 30% doanh thu và trở thành động lực tăng trưởng chính của doanh nghiệp. Trong năm 2025, đơn vị đặt mục tiêu doanh thu của toàn chuỗi cửa hàng lên đến 48.000 tỷ, đồng thời hệ thống cửa hàng liên tục được mở rộng. “Thời gian tới công ty tiếp tục mở rộng thêm từ 200-400 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc, trong đó chú trọng tới các tỉnh miền Trung”-ông Linh thông tin. Tương tự, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng đã đầu tư mở gần 800 cửa hàng tiện lợi Co.op Food...trên toàn quốc.
Người tiêu dùng mua sản phẩm tại cửa hàng tiện lợi Winmart Chương Mỹ trong ngày khai trương. Ảnh: Hoài Nam
Thời gian qua, không chỉ hệ thống kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu mới mở rộng hệ thống bán lẻ mà các siêu thị điện máy cũng trong tình trạng tương tự. Giám đốc ngành hàng điện máy của FPT Shop Phạm Quốc Bảo Duy cho biết nếu như tháng 8/2024, hệ thống mới có 10 cửa hàng điện máy thì hiện có đến 80 cửa hàng. Theo kế hoạch, đến hết năm 2025, FPT Shop sẽ mở rộng đến khoảng 200 cửa hàng song nếu tình hình kinh doanh thuận lợi, công ty cũng có thể tăng tốc lên 250 cửa hàng trên toàn quốc qua đó khẳng định thị trường có thêm một chuỗi cửa hàng điện máy, đồ gia dụng mới.
Cơ hội tiêu thụ hàng Việt
Theo các chuyên gia kinh tế, việc các nhà bán lẻ đưa vào hoạt động nhiều điểm bán hàng tiện lợi sẽ làm “nóng” lên sức mua của thị trường nội địa.
Báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài Chính) cho thấy, trong năm 2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6391 nghìn tỷ đồng, trong đó bán lẻ hàng hóa đạt 4921 nghìn tỷ đồng. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.285,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn nhận thị trường bán lẻ Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2025. Thị trường bán lẻ nội địa còn nhiều dư địa cho các nhà bán lẻ phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực.
Người tiêu dùng mua sản phẩm tại cửa hàng tiện lợi Winmart Chương Mỹ trong ngày khai trương. Ảnh: Hoài Nam
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) Nguyễn Thúy Hiền nêu rõ, doanh nghiệp trong quá trình phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi đã tập trung tiêu thụ hàng Việt góp phần kích thích sản xuất trong nước. “Hiện trên các kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng Việt luôn chiếm tỷ trọng 85-90%” - bà Hiền nêu ví dụ.
Trước việc doanh nghiệp bán lẻ nội trở lại “đường đua” mở rộng hệ thống cửa hàng tiện lợi, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho rằng, hoạt động này sẽ thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt bởi mỗi cửa hàng tiện lợi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất hàng Việt địa điểm trao đổi, mua bán trực tiếp với người tiêu dùng và nắm bắt được nhu cầu người dân qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm cho phù hợp. “Nguyên nhân là bởi những các doanh nghiệp bán lẻ Việt đều có những chính sách ưu tiên cho hàng Việt trên quầy kệ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa”- bà Lan phân tích.
Đồng tình với phân tích này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, hệ thống cửa hàng tiện lợi là cầu nối cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng Việt. Vì vậy trong thời gian tới ngành công thương Hà Nội sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp bán lẻ trong việc phát triển hạ tầng thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi; Chú trọng kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, vận hành, phát triển hệ thống bán lẻ.