Yêu cầu cần thiết
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu vừa được Bộ Công Thương hoàn thiện, gửi Chính phủ sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, ngành. Theo đó, 17.000 cửa hàng bán lẻ phải sử dụng hóa đơn điện tử trong mua - bán, kết nối với cơ quan thuế nhằm tránh gian lận hóa đơn, trốn thuế. Dự thảo cũng đưa ra lộ trình thực hiện về hóa đơn điện tử. Cụ thể, cửa hàng bán lẻ xăng, dầu tại vùng đồng bằng, đô thị, thời gian áp dụng sau 1 năm; đại lý xăng, dầu bán lẻ ở miền núi sẽ thực hiện sau 2 năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành.
Khách hàng mua xăng tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải
Đề xuất lộ trình triển khai hóa đơn điện tử với cửa hàng bán lẻ xăng, dầu được Bộ Tài chính đưa ra trong quá trình sửa đổi hai nghị định nói trên. Trên cơ sở có ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề nghị bổ sung quy định hóa đơn điện tử đối với đại lý bán lẻ xăng, dầu theo số lần xuất bán xăng, dầu cho khách hàng vào dự thảo như điều kiện để cấp giấy chứng nhận kinh doanh với cửa hàng bán lẻ xăng, dầu.
Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng hóa đơn điện tử là cần thiết, nên DN có nghĩa vụ phải tuân thủ khi kinh doanh xăng, dầu. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư khá lớn cho mỗi đại lý, trong bối cảnh DN khó khăn, Bộ đề nghị bỏ quy định về lộ trình thực hiện. Thay vào đó, các trường hợp cấp mới giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện sẽ phải thực hiện và tuân thủ ngay quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn. Những đại lý, cửa hàng bán lẻ đang hoạt động, hoặc phải xin cấp lại giấy chứng nhận kinh doanh do sắp hết hạn, thực hiện hóa đơn điện tử như trường hợp cấp mới, sau một năm.
Trong văn bản, Bộ Công Thương giải thích, hiện chưa có lĩnh vực kinh doanh nào được yêu cầu phải áp dụng hóa đơn điện tử, cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử như là một trong những "điều kiện kinh doanh". Chính vì vậy, khi đánh giá tác động, Bộ Công Thương cho rằng việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho DN, đứt nguồn cung, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xăng, dầu trên thị trường.
Phía các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu cũng cho rằng việc áp dụng quy định về hoá đơn điện tử là quy định của Nhà nước nên họ sẽ tuân theo, nhưng cần có thời gian và lộ trình phù hợp.
Tránh trì hoãn, “câu giờ”
Trước những đề xuất trên, giới chuyên gia cho rằng, dù cần thời gian chuyển tiếp nhưng việc kết nối hoá đơn trực tuyến theo từng thời điểm cụ thể là rất cần thiết. Cho rằng DN cần có thời gian chuẩn bị nhưng không được quá lâu, tránh tình trạng trì hoãn, “câu giờ” nhằm tạo sư minh bạch cho thị trường mặt hàng thiết yếu này.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế và Đô thị, chuyên gia Kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, có một số ngành đặc thù như bán lẻ xăng, dầu cần thời gian chuyển tiếp, cần lộ trình, nhưng về nguyên tắc lâu dài vẫn phải kết nối xuất hóa đơn trực tuyến. Việc hạch toán từng hóa đơn là đúng. Ví dụ, giá xăng, dầu có thể điều chỉnh từng giờ, nếu để đến cuối ngày mới xuất sẽ không đúng giá thuế, phí. “Kết nối hóa đơn điện tử sẽ đảm bảo công bằng giữa các cơ quan kinh doanh. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý mặt hàng xăng, dầu cần làm việc đó một cách chặt chẽ. Nếu không kết nối trực tuyến sẽ có tình trạng gian lận thuế, buôn xăng, dầu giả”- ông Thịnh nhấn mạnh.
Tương tự, theo Luật sư Hà Huy Phong- Công ty Luật Inteco, việc cây xăng xuất hoá đơn điện tử sẽ chống gian lận thuế, hạn chế tình trạng xăng, dầu lậu, xăng, dầu kém chất lượng. Điều này đồng nghĩa với việc minh bạch thị trường xăng, dầu. Vì vậy, kết nối hoá đơn điện tử với cây xăng là cần thiết, cấp bách và lâu dài.
Thực hiện có dễ?
Dù kêu về việc việc chi phí đầu tư lớn, tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Công Thương cũng, hiện, đã có nhiều DN lớn thực hiện triển khai hoá đơn điện tử. Một số DN xăng, dầu lớn như Petrolimex, PV Oil hay Mipec đang ứng dụng hoặc nghiên cứu áp dụng hoá đơn điện tử cho các đại lý bán lẻ của mình hoặc nhượng quyền. Còn lại các DN đầu mối, các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu bán lẻ khác vẫn chưa áp dụng hoá đơn điện tử vào bán hàng.
Phía Tổng cục Thuế cũng cho biết, ngày 1/7/2023, Tập đoàn Xăng, dầu Việt Nam đã chính thức thực hiện giải pháp phát hành hoá đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng tại hệ thống cửa hàng xăng, dầu của tập đoàn trên toàn quốc.
Ngày 31/7/2023, Cục Thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) đã có công văn gửi Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tổng công ty Xăng dầu Quân đội để yêu cầu báo cáo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện giải pháp phát hành hoá đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng và đề xuất giải pháp, kiến nghị để triển khai. Cơ quan này cũng đã tổ chức cuộc họp giữa nhà cung cấp giải pháp (Tập đoàn Viettel) và các DN xăng, dầu (Tập đoàn Xăng, dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội) để trao đổi, đề xuất các phương án triển khai khả thi.
Để đảm bảo thực hiện việc chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng hoá đơn, đồng thời ngăn chặn hành vi bán hàng không xuất hoá đơn, ngày 13/11/2023, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 5080/TCT-DNL yêu cầu cơ quan thuế các cấp khẩn trương nắm bắt thực trạng triển khai hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng của các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tại địa phương. Đồng thời, Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cửa hàng, DN kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn triển khai ngay các giải pháp thực hiện được việc phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định. Trong đó, Tổng cục Thuế nhấn mạnh phải giám sát chặt chẽ việc phát hành hoá đơn, sử dụng hoá đơn nói chung và hoá đơn đối với xăng, dầu nói riêng, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phát hành, sử dụng hoá đơn, chứng từ không đúng quy định.
Các ngành nghề kinh doanh khác đã triển khai áp dụng hoá đơn điện tử từ 1/7/2022, sao ngành kinh doanh xăng, dầu không làm được? Trong khi đó, đáng lý ngành hàng kinh doanh xăng, dầu phải là ngành tiên phong áp dụng hoá đơn điện tử. Việc phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng sẽ làm cho thị trường kinh doanh xăng, dầu được minh bạch, rõ ràng hơn, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các ngành nghề khác. Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được Đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp tổ chức trao đổi với các đơn vị kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn, cung cấp giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thành công việc phát hành hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Đồng thời thảo luận giải pháp hiệu quả cho DN, đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước về kinh doanh xăng, dầu theo đúng quy định của pháp luật về hoá đơn, chứng từ. |