Trong một động thái hiếm gặp, Ủy ban Cạnh tranh Singpore (CCS) đã khởi động một cuộc điều tra nhằm vào thương vụ Grab-Uber và đề xuất các biện pháp tạm thời để yêu cầu Grab và Uber duy trì mức giá dịch vụ như trước khi diễn ra thương vụ này.
Đây là lần đầu tiên CCS đưa ra biện pháp tạm thời đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào hoạt động ở Singapore.
Thương vụ Grab-Uber được công bố vào hôm thứ Hai tuần này, đánh dấu sự rút lui lần thứ hai của công ty ứng dụng gọi xe Mỹ khỏi thị trường ở khu vực châu Á. Trước khi rút khỏi Đông Nam Á, Uber đã rút khỏi Trung Quốc vào năm ngoái.
Theo thỏa thuận, Uber sẽ nắm 27,5% cổ phần trong Grab, công ty có mức định giá khoảng 6 tỷ USD. Ngoài ra, Giám đốc điều hành (CEO) của Uber là Dara Khosrowshahi sẽ trở gia nhập Hội đồng Quản trị Grab.
Yêu cầu của CCS đối với Grab và Uber có hiệu lực ngay lập tức, buộc hai công ty này không được lấy của nhau bất kỳ thông tin mật nào, bao gồm thông tin về chính sách giá cả, khách hàng và tài xế. Các biện pháp tạm thời này sẽ duy trì cho tới khi CCS hoàn thành điều tra.
Trước đó, trang Channel News Asia đưa tin chính phủ Malaysia có thể sẽ có động thái pháp lý chống lại Grab nếu hãng này tăng giá cước sau khi thâu tóm đối thủ Uber ở Đông Nam Á.
"Chính phủ có thể kiện Grab nếu phát hiện bất kỳ động thái tăng giá cước nào sau thương vụ sáp nhập Grab và Uber tại Đông Nam Á", Bộ trưởng Bộ nội vụ Malaysia - Nancy Shukri nói trong một thông cáo ngày 27/3.
Theo bà Shukri, chính phủ Malaysia có thể khởi kiện Grab theo Luật cạnh tranh năm 2010 của nước này, nhằm ngăn chặn tình trạng độc quyền và thao túng giá cả hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp lớn.
Người tiêu dùng ở Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả dịch vụ của Grab Việt Nam sau thương vụ sáp nhập khu vực này.